DetailController

Chính trị

Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV

22/11/2024 17:25
Thảo luận tại Tổ sáng 22.11.2024 về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc khẳng định, việc sửa đổi là cần thiết để bảo đảm sự đồng bộ và đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc phát biểu về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt

Giữ nguyên quy định thuế suất 75% đối với mặt hàng thuốc lá

Qua 15 năm triển khai thực hiện, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã thể hiện được vai trò đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên qua quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều nội dung liên quan đến việc xác định đối tượng chịu thuế, chưa phù hợp với xu thế phát triển hiện nay. Do vậy việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là cần thiết để bảo đảm sự đồng bộ và đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới.

Về đối tượng chịu thuế theo quy định tại điểm a, khoản 1 có quy định đối tượng chịu thuế theo quy định của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá bao gồm thuốc lá điếu, xì gà, và các dạng khác. Qua khảo sát cho thấy, thời gian qua, tỷ lệ nam giới hút thuốc lá trên phạm vi cả nước rất cao, dù đã thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền nhưng mức giảm cũng không cao. Với xu hướng phát triển hiện nay, việc thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử cũng như thuốc lá nung nóng gia tăng rất nhiều, ảnh hưởng rất lớn đến thế hệ trẻ. Theo trào lưu tại thành phố và nông thôn, tỷ lệ trẻ em sử dụng thuốc lá điện tử đang có chiều hướng gia tăng. Điều này đã được các ĐBQH đề xuất nên cấm việc sử dụng loại hình thuốc lá này vì đang ảnh hưởng rất lớn tới tình hình an ninh trật tự hiện nay.


Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà phát biểu về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp

Theo ĐBQH Đặng Bích Ngọc, việc sửa đổi Luật lần này cần bao quát đánh thuế đối với toàn bộ các loại mặt hàng thuốc lá, nhất là các loại thuốc lá mới trong thực tế hiện nay. Tại Điều 2 dự thảo Luật về đối tượng chịu thuế đang dẫn chiếu đến Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá nhưng không quy định cụ thể liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá mới; và tại Điều 12 dự thảo Luật về tổ chức chức thực hiện thì quy định các sản phẩm thuốc lá mới sẽ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như các loại thuốc lá tại Điều 2. Nếu chỉ dẫn chiếu như Điều 2 thì đúng là không mâu thuẫn với Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, tuy nhiên, thực tế hiện nay chúng ta thấy khoảng trống pháp lý rất lớn trong quản lý các loại thuốc lá mới.

Đại biểu cho rằng nếu chúng ta quy định như dự thảo luật thì chưa rõ ràng và chưa thật sự bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc quản lý các loại thuốc lá, nhất là thuốc lá mới; có hay không việc cho phép nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh các loại thuốc lá này. Đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật cũng như quy định thật chặt chẽ, tránh khoảng trống pháp lý đối với loại thuốc lá này.

Ngoài ra, đại biểu cũng đồng tình với việc dự thảo Luật giữ nguyên quy định thuế suất 75% như hiện nay cho mặt hàng thuốc lá. Bởi, nếu tăng đột ngột sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp phụ trợ. Do vậy nên có lộ trình tăng phù hợp; đồng thời, đề nghị Chính phủ rà soát, nghiên cứu các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, lâu dài trong việc chuyển đổi ngành, nghề cho người trồng cây thuốc lá, chế biến nguyên liệu thuốc lá, sản xuất thuốc lá.

Về thuế đối với nước giải khát có đường, đại biểu nhất trí với việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, nước giải khát có đường là nguyên nhân chính gây nên tình trạng thừa cân và béo phì và cũng là yếu tố ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe. Chính vì vậy, việc đưa nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là cần thiết. Tuy nhiên trong báo cáo đánh giá tác động cũng chưa đề cập đến tác động chính của chính sách đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.


Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận tại Tổ về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt  và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp

Hiện nay chúng ta đang có bao nhiêu doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực này và tác động cụ thể liên quan đến các doanh nghiệp này như thế nào, vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cũng nghiên cứu để bổ sung những căn cứ để quy định rõ hàm lượng đường cho phù hợp và bảo đảm khi chúng ta tổ chức triển khai thực hiện thì nó cũng dễ thực hiện và áp dụng trong thực tiễn.

Cần có lộ trình áp dụng thuế phù hợp đối với mặt hàng mới

Góp ý vào dự án Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Thị Phú Hà cho rằng, việc sửa đổi lần này đáng ra phải hướng đến đánh vào những mặt hàng xa xỉ hoặc là những mặt hàng mà chúng ta muốn hướng tới để bảo vệ môi trường. Thế nhưng, đối tượng chịu thuế cơ bản vẫn giữ như hiện hành, do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục thì rà soát lại những đối tượng chịu thuế này để bảo đảm việc đánh thuế đúng mục tiêu, định hướng đã đề ra.

Liên quan đến đối tượng không chịu thuế, đại biểu Hà đề nghị cần rà soát lại những đối tượng này. Bởi, trong dự thảo luật có bổ sung thêm một nội dung đối tượng không chịu thuế là những mặt hàng mà xuất khẩu nhưng lại không được xuất khẩu thì không thuộc đối tượng chịu thuế, do vậy cần phải rà soát thêm.

Băn khoăn một số nội dung khác liên quan về thuế suất, đại biểu đề nghị cần phải xem xét thêm về những nội dung như liên quan về rượu. Chẳng hạn, chúng ta chỉ quy định chung một loại là rượu có nồng độ từ 20 độ trở lên thì theo một mức thuế suất, rượu có nồng độ từ 20 độ trở xuống lại theo một mức thuế suất. Đại biểu thấy rằng, cần phải tách ra nồng độ nào cao hơn thì phải có mức thuế cao hơn chứ không thể để đánh đồng là cứ 20 độ trở lên thì theo một mức thuế suất chung. Mặt khác, cần xem xét có nên đánh thuế với loại bia không độ, không cồn. Mặt khác, cần có lộ trình áp dụng thuế đối với một số mặt hàng mới đưa vào đối tượng chịu thuế như nước ngọt để cho các cơ sở sản xuất kinh doanh có thời gian điều chỉnh, tránh gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Đối với dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), so với các luật chuyên ngành hiện nay thì trong dự thảo luật này phạm vi thu hẹp lại rất nhiều và không còn phù hợp với các quy định trong các đối tượng thuộc ưu đãi của Luật Đầu tư và một số luật chuyên ngành khác. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cũng làm rõ thêm nội dung này và phải thể hiện rõ những đánh giá tác động khi điều chỉnh những nội dung liên quan.

Về thuế suất đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, theo đại biểu Hà, thuế suất này chưa bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như một số luật liên quan. Việc quy định các mức ngưỡng doanh thu không quá 3 tỷ đồng và không quá 50 tỷ đồng là chưa hợp lý. Muốn đưa ra những chính sách này thì cần xem xét thêm việc này có thực sự khuyến khích, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp không. Do vậy, cần cân nhắc kỹ lưỡng những nội dung này để tránh gây khó khăn hơn cho các doanh nghiệp. Mặt khác, về các ưu đãi thuế, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ vấn đề này vì nếu mà thực hiện theo cơ chế này dễ có sự đảo lộn rất lớn trong việc thực hiện các cơ chế ưu đãi thuế.