DetailController

Cải cách hành chính

THÀNH PHỐ HOÀ BÌNH XÂY DỰNG NỀN HÀNH CHÍNH HIỆN ĐẠI

23/11/2021 00:00
Là một trong những đơn vị dẫn đầu trong bảng xếp hạng về chỉ số cải cách hành chính (CCHC) khối huyện, thành phố của tỉnh Hoà Bình. Thành phố Hòa Bình, triển khai đồng bộ các giải pháp, mang lại nhiều kết quả nổi bật, toàn diện, tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân hiệu quả.
THÀNH PHỐ HOÀ BÌNH XÂY DỰNG NỀN HÀNH CHÍNH HIỆN ĐẠI

Ứng dụng công nghệ cải cách hành chính

Xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần xây dựng Chính quyền điện tử, ngay từ đầu năm 2021, UBND thành phố đã tổ chức ký cam kết trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, Chủ tịch UBND các phường, xã với Chủ tịch UBND thành phố về chỉ tiêu hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 (mức độ của dịch vụ công trực tuyến – PV). Trong đó, đã cam kết tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến đạt trên 60% tổng số hồ sơ TTHC, vượt 10% so với chỉ tiêu UBND tỉnh giao. Kết quả đến ngày 30/9/2021 đạt 85,84%.

Phát động phong trào thi đua chuyên đề “Thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4” trên địa bàn thành phố năm 2021; chỉ đạo 19/19 đơn vị phường, xã trên địa bàn ban hành quyết định thành lập, phân công nhiệm vụ lãnh đạo, phân công cán bộ, công chức trực tại “Bộ phận một cửa” để hướng dẫn người dân, tổ chức thực hiện quy trình nộp hồ sơ trực tuyến qua môi trường mạng; triển khai thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính tại 19/19 phường, xã; phối hợp với bưu điện thành phố trong việc triển khai dịch vụ bưu chính công ích; triển khai hướng dẫn người dân, tổ chức tra cứu thủ tục hành chính (TTHC) qua mã QRcode; in các bước thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến vào mặt sau của Phiếu tiếp nhận và hẹn trả kết quả hồ sơ TTHC; tổ chức cuộc thi tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến trong nhà trường tạo sức lan tỏa mạnh mẽ đến phụ huynh, gia đình, người thân học sinh và trong cộng đồng dân cư.

Ông Bùi Quang Điệp, Chủ tịch UBND thành phố Hòa Bình, cho biết: Năm qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) đã được triển khai đồng bộ và đạt kết quả tích cực trên các nội dung. Trong đó, thành phố đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, hiện đại hóa hành chính Nhà nước; quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện giải quyết thủ tục hành chính; xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả với đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực và tính chuyên nghiệp cao. Công tác tuyên truyền về CCHC được quan tâm, nhất là qua các cuộc thi tìm hiểu CCHC trực tuyến trên mạng internet cho cán bộ, công chức. Chỉ đạo 100% các xã, phường, các cơ quan, đơn vị thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với các thủ tục hành chính đã được cung cấp…

Với mục tiêu tạo ra nhiều kênh tương tác giữa người dân với chính quyền, UBND thành phố đã triển khai phần mềm hẹn giờ giao dịch hành chính, xây dựng hệ thống tổng đài dịch vụ công thành phố Hòa Bình tích hợp trên nhiều nền tảng web, zalo, facebook góp phần kết nối, chia sẻ thông tin, công khai các hoạt động chỉ đạo, điều hành, quy hoạch, kế hoạch, giải phóng mặt bằng…đến mọi tầng lớp nhân dân. Hiệu quả khi triển khai hệ thống tổng đài dịch vụ công và hẹn giờ giao dịch trực tuyến giúp cho người dân, tổ chức nắm bắt thông tin, chủ động sắp xếp công việc khi thực hiện giao dịch hành chính, tiết kiệm thời gian chờ đợi, chi phí đi lại, tạo bước đột phá mới trong giải quyết TTHC phục vụ người dân, tổ chức.

Bên cạnh việc chỉ đạo thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ TTHC trên phần mềm một cửa điện tử, UBND thành phố đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm việc cập nhật đầy đủ thông tin hồ sơ và số hóa kết quả giải quyết hồ sơ trên phần mềm theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ. Từ đầu năm đến nay, UBND thành phố đã tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả qua phần mềm một cửa điện tử với 48.215 hồ sơ, trong đó: số hồ sơ đã giải quyết: 48.113 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99,79%; số hồ sơ đã giải quyết và trả trước hạn, đúng hạn: 48.113 hồ sơ, đạt tỷ lệ 100%; không có hồ sơ nào trả kết quả quá hạn; số hồ sơ đang giải quyết và còn hạn: 102 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 0,002%.

Trong năm 2021, UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo giải quyết TTHC theo phương án “4 tại chỗ” đối với Bộ phận “Một cửa” thành phố và “5 tại chỗ” đối với “Bộ phận Một cửa” các phường, xã. Trong đó: Bộ phận “Một cửa” thành phố đã thực hiện giải quyết và trả kết quả đối với 85 hồ sơ; các phường, xã đã thực hiện giải quyết và trả kết quả đối với 6.187 hồ sơ.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác cải cách hành chính, từ năm 2019, UBND thành phố Hòa Bình đã đầu tư lắp đặt hệ thống phòng họp trực tuyến tại 16 phường, xã. Đến ngày 30/9/2021, đã hoàn thành việc lắp đặt hệ thống phòng họp trực tuyến đối với 19/19 phường, xã. Việc khai thác, sử dụng phòng họp trực tuyến từ thành phố đến các phường, xã đã bước đầu phát huy hiệu quả, tiết kiệm chi phí hội họp. Giảm được thời gian đi lại, thành phần tham dự cuộc họp được mở rộng, công việc được triển khai đồng bộ cho tất cả các phường, xã chỉ trong một cuộc họp.

Đặc biệt, nâng cao hơn nữa hiệu quả chỉ đạo, điều hành, ứng phó kịp thời trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Hiện tại, các cuộc họp của Ủy ban nhân dân thành phố như hội nghị giao ban, tập huấn, triển khai kế hoạch, học tập Nghị quyết… đều đã được chuyển đổi sang hình thức họp trực tuyến (tính đến ngày 15/10/2021, thành phố đã tổ chức được trên 80 cuộc họp trực tuyến (hơn 30 cuộc họp trực tuyến kết nối 3, 4 cấp; 50 cuộc họp trực tuyến kết nối 2 cấp, từ thành phố đến các phường, xã). Bên cạnh đó, UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng Đề án triển khai “Phòng họp không giấy”, dự kiến đưa vào hoạt động trước ngày 10/2021.

Đẩy mạnh xây dựng “Chính quyền điện tử”

Đặc biệt,tháng 6/2021, UBND thành phố Hòa Bình đã hoàn thiện việc xây dựng “Bộ phận một cửa” hiện đại của tất cả các phường, xã trên địa bàn. Hiện tại, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại của 19/19 đơn vị phường, xã đi vào hoạt động ổn định và mang lại hiệu quả tích cực trong giải quyết TTHC phục vụ người dân, tổ chức, từng bước góp phần xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số theo lộ trình của Trung ương và của tỉnh.

Ngoài ra, UBND thành phố và UBND các phường, xã đã thực hiện niêm yết công khai đầy đủ, kịp thời các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết bằng hai hình thức là niêm yết tại Bộ phận “Một cửa” và trên Trang thông tin điện tử. Kịp thời cập nhật các TTHC mới ban hành; các TTHC được sửa đổi, bổ sung, thay thế; loại bỏ các TTHC bị bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết để đảm bảo công khai nội dung chính xác, rõ ràng, đầy đủ tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi tiếp cận, tìm hiểu và thực hiện giao dịch TTHC (ban hành 16 văn bản thông báo Danh mục TTHC các lĩnh vực theo quy định).

Ban hành Kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính năm 2021 trên địa bàn. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các phường, xã tổ chức thực hiện rà soát, đánh giá quy định TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý theo ngành, lĩnh vực; tổ chức nghiên cứu, đánh giá và đề xuất kiến nghị phương án đơn giản hóa các quy định TTHC để kịp thời phát hiện những quy định TTHC không đáp ứng các tiêu chí về sự cần thiết, phù hợp, tính hợp pháp; những TTHC còn rườm rà, phức tạp, những thủ tục còn mâu thuẫn, chồng chéo, gây khó khăn, cản trở trong quá trình giải quyết TTHC của người dân, tổ chức.

Việc thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính đã được quan tâm chỉ đạo thực hiện. UBND thành phố tổ chức mở lớp tập huấn và cử công chức trực tiếp về từng phường, xã hướng dẫn cho cán bộ, công chức thực hiện. Kết quả, tổng số hồ sơ thực hiện chứng thực bản sao điện tử đã thực hiện trên địa bàn thành phố là 1.698. Trong đó, tại Bộ phận “Một cửa” thành phố có 100 hồ sơ; tại các đơn vị phường, xã là 1.598 hồ sơ.

Thực hiện Đề án số 702/ĐA-UBND ngày 15/3/2021 về kiện toàn các cơ quan chuyên môn trực thuộc. Trong đó, đề nghị xem xét giải thể phòng Y tế, chuyển chức năng, nhiệm vụ cho Văn phòng HĐND và UBND thành phố thực hiện. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tiễn của thành phố là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh nên rất cần thiết phải có cơ quan chuyên trách (phòng Y tế) để tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện quản lý nhà nước về y tế, bao gồm: Y tế dự phòng; khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng; y dược cổ truyền; sức khỏe sinh sản; trang thiết bị y tế; dược; mỹ phẩm; an toàn thực phẩm; bảo hiểm y tế; dân số – kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn. Đặc biệt là kịp thời ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay. Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Công văn số 1532/UBND-NV ngày 14/5/2021 đề nghị Sở Nội vụ, Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét không giải thể phòng Y tế thành phố và được UBND tỉnh đồng ý cho phép giữ nguyên 13 cơ quan chuyên môn như trước đây.

Để nâng cao hiệu quả công tác cải cách tổ chức bộ máy, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thường xuyên rà soát quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo quy định.

Cơ cấu, số lượng cấp trưởng, phó các cơ quan chuyên môn trực thuộc như sau: cấp trưởng 13; cấp phó 26; thừa theo định mức là 7 người. Phương án sắp xếp năm 2021 đã ban hành Quyết định nghỉ hưu theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP đối với 3 trường hợp (nghỉ hưu kể từ ngày 01/12/2021); còn lại 4 trường hợp, UBND thành phố đã xác định lộ trình để bố trí, sắp xếp đảm bảo đến trước năm 2024 sẽ có cơ cấu, số lượng cấp phó theo đúng quy định.

Sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp chính là thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức nói riêng và kết quả công tác CCHC của thành phố Hòa Bình nói chung, tỉnh Hòa Bình nói riêng. Năm 2020, kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đạt 96,45%, tăng 3,4% so với năm 2019 (năm 2019 đạt 93,05%; năm 2018 đạt 90,23%; năm 2017 đạt 87,70%).

Thời gian tới, thành phố Hòa Bình tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác CCHC đồng bộ, hiệu quả từ các cơ quan, đơn vị đến UBND các phường, xã; tiếp tục triển khai các mô hình, sáng kiến, cách làm hay trong công tác CCHC… Phấn đấu xây dựng nền hành chính hiện đại, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng thành phố Hòa Bình thành đô thị loại II trước năm 2025.