DetailController

Tin từ các đơn vị

Thành phố Hòa Bình: Tập trung thực hiện công tác tuyên truyền phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

25/04/2019 00:00

Trong những năm qua, đặc biệt trong 2 năm 2017, 2018, thành phố Hòa Bình là một trong những địa phương chịu nhiều thiệt hại do thiên tai. Ước tính thiệt hại về tài sản do thiên tai trên địa bàn thành phố trong 02 năm gần 200 tỷ đồng. Đặc biệt với trên 100 điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở đã và đang đặt ra không ít khó khăn cho cấp ủy chính quyền thành phố Hòa Bình trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn. Do đó ngay trong những tháng đầu năm 2019, UBND thành phố Hòa Bình đã tập trung chỉ đạo, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn thành phố về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống, ứng phó là khắc phục hậu quả do thiên tai.

Lãnh đạo thành phố kiểm tra một số tuyến đê trên địa bàn thành phố

Hiện nay trên địa bàn thành phố Hòa Bình gồm có 4 tuyến đê, trong đó 03 tuyến đê cấp III do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, 01 tuyến đê cấp IV do UBND thành phố trực tiếp quản lý. Ngoài ra thành phố có Hồ thủy điện Hòa Bình; 07 công trình hồ thủy lợi vừa và nhỏ do công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Hòa Bình trực tiếp quản lý, vận hành và 08 hồ thủy lợi nhỏ do UBND thành phố trực tiếp quản lý.

Qua khảo sát thành phố có 6 khu vực thuộc 4 phường, xã có nguy cơ lũ ống, lũ quét; 8 khu vực thuộc 5 phường, xã có nguy cơ sạt lở do lũ sông, suối và 07 địa phương có khu vực nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở taluy đồi nguy hiểm. Ngoài ra thành phố còn gần 10 điểm có nguy cơ ngập úng cục bộ. Do đó công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã và đang được Thành ủy, UBND thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, chủ động phòng ngừa ngay từ đầu mùa mưa bão.            

Ngay từ đầu năm 2019, UBND thành đã kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể các thành viên  Ban chỉ huy  và tiêu ban. Đồng thời xây dựng phương án, triển khai nhiệm vụ, phương án  đối với các trọng điểm xung yếu. Đồng thời thành phố đã tổ chức hội nghị tông kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hằng năm, qua đó đánh giá kết quả đạt được và nhìn nhận những hạn chế cần khắc phục.

Qua công tác đánh giá, thành phố đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chủ động xây dựng tài liệu, thực hiện công tác tuyên truyền trong quần chúng nhân dân về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân về công tác phòng chống, ứng phó với thiên tai và các biện pháp an toàn khi có những hiện tượng thời tiết cực đoan. Thành phố đã xây dựng nội dung và yêu cầu UBND các phường, xã tổ chức tuyên truyền trong nhân dân thông qua hệ thống loa truyền thanh tại các xóm, tổ dân phố. Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thông thành phố xây dựng tin, bài, phóng sự phản ánh và tuyên truyền về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn. Đoàn thanh niên thành phố, Hội Chữ thập đỏ thành phố tổ chức các chương trình tập huấn về sơ cứu, cấp cứu người đuối nước, băng bó vết thương cho người bị nạn.

Bên cạnh đó thành phố đã thực hiện lồng ghép diễn tập khu vực phòng thủ với phòng chống thiên tai tại các đơn vị. Nhờ đó công tác diễn tập tìm kiếm cứu nạn tiếp tục được đảm bảo về chất lượng.

Ngoài ra thành phố đã huy động lực lượng sẵn sàng tham gia công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn gồm: Cán bộ, chiến sĩ thuộc Ban chỉ huy quân sự, Công an thành phố; Lực lượng xung kích tại 15 phường, xã với gần 200 người. Đồng thời trong tình huống cần thiết thành phố sẽ đề nghị Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Cục Thủy lợi hỗ trợ, tham gia công tác ứng phó.

Để hỗ trợ công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai thành phố đã chuẩn bị cơ bản đầy đủ vật tư, phương tiên  gồm: 3.000 bao tải; 1000 chiếc cọc tre; 200 áo phao; 100 phao tròn cứu sinh; 100 cuốc xẻng; 02 nhà bạt; 500 m vải bạt; 01 máy phát điện; 30 đôi quang sọt sắt và các vật tư, dụng cụ khác; 15 máy bơm dầu cơ động. Về phương tiện thành phố đã đảm bảo hợp đồng phương tiện gồm 15 ô tô tải 5-10 tấn, 20 xe ô tô từ 20-45 chỗ; 02 máy xúc, 01 máy ủi, 01 xuồng máy cao tốc; 15 thuyền máy; 12 xe ô tô chỉ huy hộ đê và phòng chống thiên tai. Đồng thời thành phố đã chỉ đạo thực hiện dự trữ cơ số lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh tối thiểu cho 200 người trong 7 ngày.

Bên cạnh đó, UBND thành phố tăng cường chỉ đạo UBND 15 phường, xã và các phòng, ban, đơn vị  khẩn trương kiện toàn lại Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các tiểu ban giúp việc, phân công nhiệm vụ cụ thể  cho các thành viên. Đặc biệt UBND thành phố đã yêu cầu các phường xã tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền trong nhân dân, nâng cao nhận thức, ý thức phòng chánh nhân dân về thiên tai, mưa bão và các hình thái thời tiết cực đoan. Cơ quan thường trực thực hiện nghiêm túc công tác trực Ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019 bắt đầu từ ngày 5/5 đến hết ngày 30/11/2019 theo quy định của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm cứu nạn tỉnh Hòa Bình.

Hiện thành phố đã thực hiện tốt công tác di dân tái định cư ổn định cho các hộ dân bị sạt lở đặc biệt thành phố đã di dời và ổn định cuộc sống cho các hộ dân thuộc làng Vạn chài tại tổ 14, phường Thịnh Lang. Hoàn thành tiến độ thực hiện các dự án di dân tái định cư tại phường Thái Bình, Hòa Bình, Trung Minh, nhân dân đã từng bước ổn định cuộc sống.

Theo nhận định  của Trung tâm khí tượng thủy văn  Hòa Bình, trong năm 2019 mà cụ thể là trong tháng 4, 5  sẽ có hiện tượng thời tiết cực đoan như dông, set, lốc, mưa đá. Do đó hiện nay thành phố Hòa Bình đang tập trung chỉ đạo các địa phương chủ động thực hiện các phương án phòng chánh, ứng phó kịp thời, nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng, giảm thiếu thấp nhất thiệt hại về kinh tế, tài sản của nhân dân trên địa bàn./.