“Xây dựng xã hội học tập” là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm đổi mới tư duy giáo dục theo tư tưởng “Học tập thường xuyên, học tập suốt đời”. Theo quan điểm đó, trong ba năm thực hiện, thành phố Hòa Bình đã lập ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập và thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, trường học và các xã, phường thực hiện đề án. Đồng thời, Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập thành phố phối hợp cùng Hội khuyến học thành phố đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng. Qua đó, các tổ chức và mọi cá nhân trên địa bàn thành phố đều nhận thấy trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc học tập và tham gia tích cực xây dựng xã hội học tập nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hiện đại thành phố Hòa Bình. Đây cũng là điều kiện, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho toàn tỉnh, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội và hướng tới nền kinh tế tri thức.
Hệ thống cơ sở giáo dục thành phố thường xuyên đáp ứng nhu cầu học tập của người dân trên địa bàn. Các Trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, phường đều tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học tập của học viên để tổ chức các lớp học bồi dưỡng kiến thức pháp luật, sức khỏe, môi trường, chuyển giao khoa học kỹ thuật, thu hút đông đảo học viên tham gia. Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị, xã hội vào cuộc mạnh mẽ nhằm tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, từng bước phát triển, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tích cực xây dựng xã hội học tập gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”…
Nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức mà nhiều chỉ tiêu trong thực hiện đề án đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Trong đó, có một số tiêu chí quan trọng như: Trên 99% người trong độ tuổi từ 15-60 tuổi biết chữ; 100% xã, phường trên địa bàn thành phố củng cố vững chắc kết quả đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, phổ cập tiểu học, THCS; 90% cán bộ công chức, viên chức thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc; 82% lao động nông thôn tham gia học tập kiến thức, kỹ năng, chuyển giao khoa học kỹ thuật; 100% học sinh, sinh viên được học kỹ năng sống tại các cơ sở giáo dục… Từ việc thực hiện đề án, nhiều tấm gương sáng về học tập suốt đời được biểu dương, khen thưởng. Các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập và cộng đồng học tập từng bước được nhẩn rộng. Phong trào dần đi vào nề nếp, có kế hoạch và có tính tự giác cao.
Để làm tốt hơn nữa công tác xây dựng xã hội học tập trong thời gian tới, thành phố Hòa Bình đề ra kế hoạch cụ thể. Trong đó, tập trung tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo của chính quyền địa phương và sự tham gia của toàn xã hội đối với nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, vai trò, lợi ích của học tập suốt đời – xây dựng xã hội học tập; tiếp tục tổ chức các hình thức hoạt động học tập suốt đời trong các thiết chế giáo dục ngoài nhà trường, qua các phương tiện thông tin đại chúng, thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ…. Đồng thời, củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời của người dân; đẩy mạnh hình thức học tập từ xa, học qua mạng; triển khai các biện pháp hỗ trợ người học nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập suốt đời; làm tốt công tác phối hợp giữa các cấp ngành, các tổ chức doanh nghiệp trong quá trình xây dựng xã hội học tập.