DetailController

Giáo dục

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục

27/09/2024 17:00
Chuyển đổi số là xu hướng của xã hội nói chung và lĩnh vực giáo dục nói riêng. Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo luôn chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ, ghi nhận hiệu quả tích cực. Việc này đã dần thay đổi phương pháp giảng dạy từ truyền thống sang tích cực, giúp người dạy và người học phát huy khả năng tư duy, sáng tạo, sự chủ động và đạt hiệu quả. Không chỉ nâng cao chất lượng giáo dục, mà còn tiết kiệm thời gian, nhà giáo có thêm thời gian cho chuyên môn và học sinh.

Về hạ tầng kỹ thuật, mạng máy tính được kết nối đến tất cả máy tính của cán bộ, chuyên viên cơ quan Sở, mạng Wifi tập trung phủ toàn bộ khu nhà làm việc của cơ quan. Mạng chuyên dùng đã được kết nối chung với mạng LAN của cơ quan Sở. Hệ thống mạng LAN của cơ quan Sở đã được đánh giá an toàn thông tin cấp độ 1.  Các phần mềm chuyên ngành thực hiện đáp ứng yêu cầu của Bộ GD&ĐT, phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc thực hiện đáp ứng yêu cầu, hệ thống email toàn ngành phục tốt công tác chỉ đạo, điều hành và trao đổi thông tin. Hệ thống họp trực tuyến kết nối đến 59 điểm cầu gồm 10 phòng GD&ĐT huyện, thành phố và 49 đơn vị trực thuộc; phục vụ tốt các hội nghị giao ban trực tuyến, tập huấn và bồi dưỡng trực tuyến toàn ngành.

CSDL quốc gia về giáo dục đã triển khai đến toàn bộ cơ quan quản lý giáo dục các cấp và các cơ sở giáo dục, dữ liệu về trường, lớp, đội ngũ, học sinh, cơ sở vật chất được cấp nhật đầy đủ theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT đáp ứng tốt báo cáo tổng hợp, thống kê, phân tích dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo điều hành. 98,4% dữ liệu trên hệ thống đã được đồng bộ với CSDLQGvDC. Phối hợp với Công ty Cổ phần MISA và các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cung cấp hệ thống Thu học phí và các khoản thu không dùng tiền mặt đến 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh. Dữ liệu học sinh được kết nối đồng bộ qua API với CSDL giáo dục. 

Hệ thống Văn bản điều hành và Hồ sơ công việc đã đáp ứng tốt công tác chỉ đạo điều hành không chỉ trong cơ quan văn phòng Sở mà liên thông trong toàn ngành GD&ĐT cũng như với Bộ GD&ĐT và các cơ quan, ban ngành trong tỉnh. Hệ thống email ngành cung cấp 100% địa chỉ email công vụ đến các cơ quan quản lý giáo dục, cán bộ, chuyên viên, giáo viên và nhân viên trong toàn ngành với gần 30.000 tài khoản.

100% cơ sở giáo dục đã triển khai hệ thống quản trị trường học, chủ yếu của 02 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn là VnEdu của VNPT và SMAS của Viettel. 100% các nhà trường, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong toàn tỉnh đã được cấp chữ ký số của Ban cơ yếu Chính phủ. 100% học sinh tiểu học lớp 1 đến lớp 4 đã thực hiện Học bạ điện tử, ngành đang triển khai Học bạ điện tử đến toàn bộ học sinh trên địa bàn tỉnh.

Công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức các nội dung về chuyển đổi số, an toàn, an ninh thông tin tới cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và sinh viên trong toàn ngành được chú trọng, các thông tin thường xuyên được cập nhật trên trang thông tin điện tử của ngành. Từ năm 2023 đến năm 2024 Sở GD&ĐT chưa có sự cố xảy ra mất an toàn, an ninh thông tin.

Để tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong Giáo dục và Đào tạo, thời gian tới toàn ngành tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý; phát triển hạ tầng kỹ thuật, bổ sung, duy trì, nâng cấp trang thiết bị  đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng CNTT, chuyển đối số trong dạy, học, kiểm tra đánh giá và quản lý giáo dục. Phát triển các hệ thống nền tảng; triển khai các ứng dụng hồ sơ số, triển khai sổ điểm số, học bạ số; triển khai ứng dụng kết nối, tương tác, trao đổi thông tin giữa phụ huynh với cơ sở giáo dục trên nền tảng số, khuyến khích áp dụng các giải pháp miễn phí như tin nhắn OTT, email, ứng dụng trên thiết bị di động và website của cơ sở giáo dục. Phát triển dữ liệu, xây dựng Hệ sinh thái giáo dục thông minh; Tăng cường xây dựng học liệu số (bao gồm: bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho các môn học). Phát triển các ứng dụng, dịch vụ; Bảo đảm an toàn thông tin. Xác định danh mục nhiệm vụ, dự án để triển khai Kế hoạch dựa trên các nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện, trong đó với mỗi nhiệm vụ/dự án cần nêu rõ đơn vị chủ trì, nhiệm vụ/dự án mới hay chuyển tiếp, mục tiêu chính đầu tư, thời thời gian triển khai, dự kiến tổng mức đầu tư và nguồn vốn…/.