DetailController

Văn hóa

Tham quan 1 số di tích khảo cổ tiêu biểu về nền “Văn hoá Hoà Bình”

23/11/2022 00:00
Ngày 22/11, Ban Tổ chức Hội thảo 90 năm thế giới công nhận nền “Văn hoá Hoà Bình” tổ chức tham quan một số di tích khảo cổ tiêu biểu về nền “Văn hoá Hoà Bình”. Tham gia Đoàn có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban tổ chức Hội thảo 90 năm thế giới công nhận “Nền văn hoá Hoà Bình”; Bùi Văn Cửu, Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; lãnh đạo sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các nhà khoa học và ngoài nước.
Đoàn đã tham quan di tích Mái đá làng Vành xã Yên Phú.

Đoàn đã tham quan 2 di tích khảo cổ tiêu biểu của nền “Văn hoá Hoà Bình” là Hang xóm Trại xã Tân Lập và Mái đá làng Vành xã Yên Phú. Hai địa điểm đều nằm trong huyện Lạc Sơn, cách nhau 5km, có niêm đại trên 20 ngàn năm cách ngày nay. Hai di tích đều đã được Nhà nước xếp hạng Di tích Khảo cổ học cấp Quốc Gia.

Trong đó, Hang xóm Trại được phát hiện và tìm hiểu nghiên cứu khai quật từ năm 1970. Kết quả nghiên cứu cho thấy Hang xóm Trại là di tích khảo cổ thời kỳ đồ đá thuộc nền văn hoá Hoà Bình. Năm 2001, di tích được công nhận là di tích khảo cổ học cấp Quốc gia. Cách đây trên 20.000 năm, con người đã đến sinh sống trong Hang đá Trại. Cách kiếm ăn của họ là săn bắt, hái lượm. Biết sử dụng đá cuội và xương động vật để tạo thành công cụ để tìm kiếm thức ăn. Ngoài công cụ đã và tàn tích thức ăn mang đặc trưng văn hoá Hoà Bình, trong Hang phát hiện nhiều mảnh gốm được trang trí đẹp và chiếc rìu được mài nhẵn có niên đại khoảng 3.500-3.200 năm cách ngày nay.

Mái đá làng Vành được nhà khoa học M.Colani phát hiện và khai quật vào năm 1929 trong đợt điều tra khảo cổ học khu vực núi đá vôi phía nam của tỉnh. Khai quật di chỉ mái đá làng Vành đã thu được 951 hiện vật các loại. Bên cạnh công cụ ghè đẽo đã thu được một số lượng rất lớn công cụ mài gồm: Đục, công cụ mài lưỡi, rìu mài toàn thân, viên đá có khoét lỗ và vòng đá. Kết quả nghiên cứu khai quật được công bố năm 1930 cho thấy di tích mái đá làngVành thuộc nền văn hoá Hoà Bình, có khung  niên đại kéo dài từ 17.000- 8.000 năm cách ngày nay. Do đó, mái đá làng Vành được xếp vào giai đoạn trung gian của văn hoá Hoà Bình.

Tại đây, các khoa học và đại biểu đã được nghe ông Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á thông tin về cuộc khai quật 2 di tích trong năm 2022. Qua bằng chứng hiện vật tại 2 điểm Di tích khảo cổ Quốc Gia Hang xóm Trại, và Mái Đá Làng Vành nhằm giúp các nhà khảo cổ học đưa ra những nghiên cứu sâu hơn về nền “Văn hóa Hòa Bình”. Trong tương lại sẽ mở ra nhiều ngăn tầng văn hoá hấp dẫn của tổ tiển./.