DetailController

Địa lý

Thăm Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Sóc

27/11/2018 00:00
Một ngày cuối thu, chúng tôi có dịp đến thăm đền Sóc (huyện Sóc Sơn - TP Hà Nội). Trời đổ mưa không ngớt, vậy mà đền Sóc vẫn có cả chục đoàn xe đưa du khách đến hành hương, vãn cảnh. Cô nhân viên Ban Quản lý di tích hồ hởi: "Nơi đây ngày nào cũng đón hàng trăm du khách. Những tháng đầu năm, mỗi ngày có cả nghìn người tới chiêm bái”. Thế mới biết, Lễ hội Gióng và đền Sóc có sức hút lớn đối với người dân đất Việt. Bởi đó là tài sản vô giá, chứa đựng ý nghĩa lịch sử, văn hóa về dựng nước và giữ nước thời tiền sử. Dấu tích còn in đậm trong các pho tượng, công trình thờ tự. Các giá trị vật thể và phi vật thể là bằng chứng chân thực biểu tượng lòng thủy chung son sắt, tình yêu nước của con người Việt Nam. Cũng bởi lẽ đó mà năm 2010, Hội Gióng ở đền Sóc và đền Phù Đổng được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật đền Sóc là Di tích quốc gia đặc biệt.
Đền Thượng là điểm nhấn về kiến trúc nghệ thuật trong quần thể Di tích quốc gia đặc biệt đền Sóc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội).


Qua tìm hiểu được biết, quần thể khu di tích đền Sóc nằm trong thung lũng núi Vệ Linh, có diện tích 125 ha, được bao quanh bởi rừng thông trên 50 năm tuổi, là điểm đầu của các dãy núi thuộc hệ Tam Đảo ở phía đông với thế "long chầu, hổ phục”. Bao quanh khu nội tự là các hồ nước cùng nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi cùng hàng trăm loài thảo mộc thuộc nhiều họ khác nhau, tạo nên cảnh đẹp sơn thủy hữu tình, một vùng hội tụ khí thiêng của đất trời.

Tương truyền, Thánh Gióng đánh giặc Ân khắp vùng đất trung châu và về đây chọn làm nơi siêu thoát về trời.

Khu di tích đền Sóc gồm 7 công trình kiến tạo. Mỗi công trình có giá trị lịch sử, nghệ thuật riêng, đó là: Đền Trình, đền Mẫu (thời mẹ Thánh Gióng), chùa Đại Bi, đền Thượng, khu nhà Bia (lăng bia đá 8 mặt), chùa Non và khu tượng đài Thánh Gióng.

Điểm nhấn là đền Thượng, nơi thờ Phù Đổng Thiên Vương và các vị thánh, thần. Đền Thượng có lối kiến trúc đa dạng và niên đại xa xưa nhất. Theo bia đá 8 mặt, mặt số 4 có ghi đền Thượng được xây dựng vào thời tiền Lê (khoảng thế kỷ thứ X), đã qua 13 lần trùng tu. Hiện nay, đền mang đậm kiến trúc thời Nguyễn, chỉ còn một số ít họa tiết, hoa văn giữ lại của thời Tiền Lê.

Đến đền Thượng, không chỉ cảm nhận được không gian trong lành, thanh tịnh để cầu Thánh phù hộ độ trì, ban cho sức khỏe, bình an, hạnh phúc, mọi việc hanh thông, tươi tốt. Nơi đây còn là công trình nghệ thuật đặc sắc thôi thúc du khách phải khám phá, tìm hiểu.

Đền Thượng có kiến trúc, bố cục mặt bằng hình chữ "công”, bao gồm: tiền tế, trung từ, hậu cung. Mái đền lợp ngói mũi hài kiểu cổ. Hệ thống đao cong chồng diên hai tầng, tám mái tạo sự thoáng mát. Mái đền có kiến trúc "độc nhất vô nhị” tại các nơi thờ tự của người Việt đó là: 2 lần "lưỡng long chầu nguyệt”. Đền có 5 gian, 2 dĩ, kết cấu bằng gỗ lim, chạm khắc tinh xảo, cân xứng thể hiện phong cách, kiến trúc đặc trưng đền, chùa của người Việt. Hậu cung là nơi thờ đức Phù Đổng Thiên Vương cùng nhiều vị thánh, thần. Ngai thờ, án hương được xây bằng vôi, mật mía, giấy bản, muối và đá núi. Đây là hình ảnh tượng trưng thu nhỏ 99 ngọn núi của hệ Tam Đảo chạy về hướng đông thành ngai thờ. Đã qua 13 lần trùng tu nhưng toàn bộ ngai thờ và tượng vẫn giữ được nguyên mẫu.

Cuốn sách "Không gian văn hóa lễ hội Gióng tại Sóc Sơn” có ghi: Tương truyền, vua Lê về xây cất tất cả các đền, chùa, trong đó có đền Thượng. Nhà vua cho tạc gốc cây trầm hương nguyên bản thành tượng và xây án hương đặt các bát hương thờ Thánh Gióng cùng các vị thánh, thần. Trước án hương đắp chữ "thọ” cách điệu tứ quý với ngụ ý: Thánh Gióng - tứ bất tử, thọ cùng trời đất, sống mãi cùng các thế hệ con cháu người Việt. Quanh năm, 4 mùa xuân, hạ, thu, đông, nối tiếp con cháu tưởng nhớ công ơn người anh hùng có công dẹp giặc đem lại thái bình cho dân tộc Việt ngay từ buổi đầu lập nước Văn Lang...

Đến với quần thể di tích đền Gióng, khách hành hương không thể bỏ qua khu tượng đài Thánh Gióng được đặt trên đỉnh núi Đá Chồng. Tượng người tráng sỹ trên mình ngựa sắt, tay cầm tre đằng ngà thật hiên ngang, vững chãi, mặt hướng về phương nam nơi quê mẹ.

Tượng đài Thánh Gióng được tổ chức kỷ lục Việt Nam xác nhận là tượng đài bằng đồng lớn nhất Việt Nam. Tượng sừng sững vươn cao, biểu thị cho sức mạnh, tinh thần chiến thắng, ý thức tự lực, tự cường, sự khát khao hòa bình của người Việt Nam.

Ghi nhớ công ơn của Thánh Gióng và tưởng niệm ngày Thánh bay về trời, người dân huyện Sóc Sơn đã mở hội từ ngày 6 - 8 tháng giêng hàng năm. Từ năm 1990 trở lại đây, hội Gióng đền Sóc được mở từ đêm 30 Tết và kéo dài đến hết tháng 4 âm lịch. Hội Gióng đền Sóc mang đến cho người dân Sóc Sơn cũng như khách thập phương niềm vui và niềm tin vào những điều tốt đẹp đang đến vào đầu năm mới. Hội luôn chứa đựng tâm tưởng vừa kín đáo, vừa sâu xa lan tỏa bao trùm lên nghi lễ thờ cúng thần, thánh; nhắc nhở, giáo dục con cháu nhớ về cội nguồn. "Tháng giêng giỗ Thánh Sóc Sơn/Tháng ba giỗ Tổ Hùng Vương nhớ về”.