DetailController

Địa lý

Hành hương chùa Tác Đức

27/11/2018 00:00
Một ngày mùa thu nắng đẹp, chúng tôi tìm đến chùa Tác Đức - nơi được nhiều người truyền nhau bởi sự nổi tiếng từ lâu. Cách trung tâm xã Lạc Thịnh (Yên Thủy) hơn 5 km, chùa Tác Đức tọa lạc ngay dưới chân núi Khạ. Chùa là ngôi nhà ba gian, mái lợp ngói rất đơn sơ, bốn bề bao bọc bởi đồi và núi cao. Điều đặc biệt, phía trước ngôi chùa cổ kính có một cây táo cổ thụ đã hàng trăm năm tuổi, bên cạnh đó là bàn thờ thánh Mẫu giản dị. Phía sau là dòng suối trong mát, quanh năm chảy từ trên núi xuống.

Chùa Tác Đức thu hút người dân đến dâng hương, vãn cảnh.

Mặc dù chúng tôi đến không phải là ngày lễ, ngày rằm, mùng 1 nhưng có khá nhiều người sắm lễ đến thắp hương, vãn cảnh chùa. Chị Bùi Thị Hạnh ở xã Liên Vũ (Lạc Sơn) chia sẻ: Từ lâu, chúng tôi đã được nghe kể về chùa Tác Đức. Là người làm nghề kinh doanh, buôn bán, hôm nay, chúng tôi sắm lễ đến đây để cầu mong sức khỏe, bình an, làm ăn thuận lợi.

Chùa Tác Đức tọa lạc tại xóm Đình A, xã Lạc Thịnh. Theo các cụ cao niên ở đây kể lại, chùa được xây dựng từ lâu đời. Xưa kia, khu vực ngôi chùa tọa lạc trên địa danh Tác Đức nên nhân dân trong vùng đã lấy tên địa danh vùng để đặt tên cho ngôi chùa. Mặc dù trải qua nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính, đến nay, ngôi chùa vẫn mang tên Tác Đức. Trước kia, ngôi chùa chỉ dựng bằng tranh tre, mái lợp gianh, thờ duy nhất một cột đá (người Mường gọi là bụt mọc). Chùa được dựng với mục đích dùng giáo lý đạo Phật để khuyên thiện, trừ ác, giáo dục lòng nhân nghĩa của con người. Trải qua thời gian, mưa nắng, ngôi chùa cổ hư hỏng. Đến những năm giữa thế kỷ XX, chùa được dựng lại bằng gỗ, mái lợp ngói. Kiến trúc bộ vì và cột đều được làm bằng gỗ lim. Các chân cột được chôn xuống đất như kiểu chân cột nhà sàn người Mường. Xung quanh được thưng bằng gỗ ván, nền bằng đất nện. Trong chùa có một ban thờ trên thờ cột đá và các đồ thờ tự khác.

Sau hòa bình lập lại, chùa không được quan tâm thờ phụng rồi mai một theo thời gian. Nhiều hiện vật cổ và đồ thờ tự của chùa bị hỏng, thất lạc. Đến năm 1990, nhân dân trong vùng đã đóng góp, xây dựng lại ngôi chùa như hiện nay trên nền cũ để làm nơi thờ tự. Chùa có kết cấu kiểu chuôi vồ, gồm nhà tiền đường và thượng điện. Trước và sau chùa đều có cây cổ thụ vài trăm năm tuổi tỏa bóng mát làm cho ngôi chùa thêm thanh tịnh.

Năm 2016, chùa Tác Đức được cấp bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Chùa góp phần tích cực trong việc duy trì, củng cố mối quan hệ xóm giềng làng xã, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương. Hàng năm, vào những ngày lễ Phật Đản, Vu lan báo hiếu, đầu năm…, chùa Tác Đức trở thành điểm đến của nhiều phật tử. Thiện nam, tín nữ trong và ngoài tỉnh đến lễ Phật, cầu bình an, cầu cho quốc thái, dân an, dân khang vật thịnh. Di tích là vốn cổ quý giá trong giáo dục và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Hiện nay, cùng với giao thông thuận lợi, kết hợp với nhiều danh lam thắng cảnh và các di tích nổi tiếng khác trên địa bàn huyện Yên Thủy như Hang Chùa và chùa Hang, đình Xàm, hang Nước và động Thiên Tôn… cùng với du lịch sinh thái, du lịch bản Mường xóm Thấu - xã Lạc Sỹ, chùa Tác Đức đang và sẽ là nơi thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến hành hương.