DetailController

Tin từ các đơn vị

Tập trung ưu tiên các giải pháp phát triển Cụm công nghiệp

15/08/2019 00:00
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 15 Cụm công nghiệp (CCN) có quyết định thành lập, lập quy hoạch chi tiết. Theo quy hoạch đến năm 2020 thì tỉnh sẽ có 21 CCN được thành lập. Trên thực tế các cụm công nghiệp đi vào hoạt động góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của từng địa phương, khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng, tạo nhiều việc làm cho người lao động, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 15 CCN có quyết định thành lập, lập quy hoạch chi tiết

 Tuy nhiên, những năm qua công tác đầu tư, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn như: Việc thu hút đầu tư hạ tầng đối với các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn; tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp còn rất chậm; các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh vào cụm công nghiệp có tiến độ triển khai chậm hoặc tạm dừng đầu tư trong thời gian dài làm ảnh hưởng tới quy hoạch chung trong cụm công nghiệp.... Để tháo gỡ khó khăn tập trung phát triển cụm công nghiệp cần thực hiện một số giải pháp cụ thể:

Thứ nhất: Tăng cường công tác quản lý nhà nước và chỉ đạo điều hành việc đầu tư xây dựng, quản lý các CCN, nhất là vai trò của Sở Công Thương trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp đối với các CCN trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

Thứ hai: Hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp ở khu vực dân cư di dời vào cụm công nghiệp. Đồng thời xây dựng, phát triển khu tái định cư, mở rộng, phát triển ngành nghề nông thôn để ổn định cuộc sống cho nhân dân trong khu vực phải di dời; hỗ trợ kinh phí xây dựng hạ tầng, quy hoạch chi tiết cho các cụm công nghiệp bằng nguồn ngân sách trung ương, địa phương theo các cơ chế chính sách đã được phê duyệt.

Thứ ba: Xây dựng cơ chế chính sách để huy động các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng các CCN. Xây dựng chính sách thu hút các dự án đầu tư có hiệu quả kinh tế - xã hội cao vào đầu tư trong các CCN; các thủ tục hành chính sau đăng ký, chứng nhận đầu tư cần được hoàn thiện theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch, tăng cường tính phục vụ, hỗ trợ và giảm phiền hà, rút ngắn được thời gian cho doanh nghiệp, bao gồm các thủ tục hành chính liên quan đến giao đất, cho thuê đất, xây dựng và quản lý môi trường…

Thứ tư: Tăng cường công tác quản lý kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các doanh nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện theo đúng Luật Môi trường. Những cụm công nghiệp đang hoạt động cần chú ý cải tạo mạng lưới thoát nước bẩn và nước mặt, tăng thêm công trình dịch vụ công cộng và bảo đảm cách ly vệ sinh giữa các nhà máy với khu dân cư theo tiêu chuẩn hiện hành, đồng thời tăng thêm diện tích đất trồng cây xanh.

Việc triển khai thực hiện tốt các giải pháp nêu trên sẽ góp phần xây dựng hệ thống cụm công nghiệp cơ bản đồng bộ về hệ thống hạ tầng, phát huy được lợi thế và nguồn lực của từng địa phương. Tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư phát triển CN- TTCN, tăng khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế, tiếp tục nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương. Tạo quỹ đất sạch và môi trường thuận lợi để khuyến khích và thu hút đầu tư trong và ngoài nước, đảm bảo được tính hiệu quả cao trong phát triển công nghiệp và tận dụng được các tiện ích của hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ công cộng. Đảm bảo vệ sinh môi trường do các cơ sở sản xuất công nghiệp được cách ly ra khỏi khu dân cư, các nhà máy sản xuất được bố trí tập trung theo quy hoạch đáp ứng được sự phát triển tốt nhất và tránh được các hậu quả gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác cũng đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại trong sản xuất công nghiệp phù hợp với xu hướng phát triển bền vững hiện nay trên thế giới.