Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị:
Đối với sản xuất vụ Đông Xuân 2023 -2024: Với diện tích đến thời kỳ thu hoạch, bố trí tối đa nguồn nhân lực, máy móc khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa vụ Xuân, cây rau màu đã chín để tránh thiệt hại do những đợt mưa kèm gió xoáy. Trên các diện tích đã thu hoạch triển khai cày lồng vùi lấp tàn dư sớm, kết hợp xử lý chế phẩm sinh học (Trichoderma, AT-YTB, ...) để phân hủy nhanh tàn dư, hạn chế ngộ độc hữu cơ; đồng thời hạn chế sâu bệnh vụ sau. Theo dõi chặt chẽ tình hình sinh vật gây hại trên đồng ruộng và dự báo của cơ quan chuyên môn để chỉ đạo phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Lưu ý các đối tượng sâu bệnh hại trên lúa, cây ngô…
Đối với sản xuất vụ Hè Thu, vụ Mùa năm 2024: Với diện tích lúa Mùa, ưu tiên lựa chọn những giống có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, chất lượng gạo khá. Mỗi địa phương nên chọn 2-3 giống lúa chủ lực, gieo cấy tập trung theo vùng để thuận lợi choviệcchăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Với những diện tích gieo trồng cây vụ Đông ưa ấm như ngô, đậu tương, cần bố trí cơ cấu giống hợp lý để thu hoạch lúa xong trước 25/9/2024. Chủ động bố trí lượng giống dự phòng để gieo cấy bổ sung khi có thiên tai xảy ra. Với diện tích cây rau màu, đảm bảo tiến độ gieo trồng cây màu vụ Hè Thu theo khung thời vụ, kết thúc trước 15/8/2024; áp dụng các biện pháp chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, hiệu quả. Những diện tích trồng các loại rau ngắn ngày cần bố trí thời vụ gieo trồng và cơ cấu giống hợp lý nhằm rải vụ thu hoạch, đảm bảo nguồn cung ổn định. Đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng với những loại cây có giá trị kinh tế cao, có đầu ra ổn định theo hình thức tổ chức các chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tận dụng diện tích bưa bãi, đồi thấp để tăng diện tích gieo trồng ngô, các loại cây màu, rau, đậu để tăng thu nhập. Tăng cường công tác tu bổ hệ thống kênh mương, hồ đập, phục vụ công tác tưới tiêu; chủ động phương án tiêu úng cho diện tích lúa và cây màu ở những chân ruộng trũng có nguy cơ ngập úng khi mưa lớn kéo dài. Với cây ăn quả, tích cực thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây ăn quả theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Chú ý các đối tượng sâu bệnh chính gây hại làm ảnh hưởng đến mẫu mã, chất lượng quả như bệnh loét, ghẻ sẹo, chảy gôm, sâu đục cuống quả, bọ xít trên nhãn, vải ... Chủ động áp dụng các biện pháp chống cây, nâng cành, treo cành để hạn chế đổ gẫy cây, rụng quả khi có mưa gió, dông lốc. Khơi thông rãnh thoát nước, vun cao xung quanh tán không để ngập, úng ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của quả.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật theo dõi sát diễn biến thời tiết, tình hình sinh trưởng, phát triển của cây trồng trên đồng ruộng; tình hình phát sinh, gây hại của sâu bệnh hại cuối vụ Xuân; dự tính, dự báo diễn biến phát sinh, phát triển, gây hại của các đối tượng sâu bệnh gây hại vụ Mùa ngay từ đầu vụ. Phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra các lô giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất trên địa bàn, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, nguồn gốc xuất xứ theo quy định. Xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.
Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố chỉ đạo cán bộ bám sát địa bàn, tập trung đôn đốc nhân dân khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn lúa vụ Xuân; thu hoạch đến đâu làm đất, gieo trồng ngay đến đó, đảm bảo đúng khung thời vụ; Hướng dẫn nhân dân thực hiện quy trình ngâm ủ, gieo và chăm sóc mạ đúng kỹ thuật, đặc biệt khi thời tiết có nắng nóng.
Chi cục Thủy Lợi thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết để chủ động tham mưu triển khai các phương án phòng, chống thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có mưa bão, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất xảy ra. Thường xuyên kiểm tra, tu sửa các công trình thuỷ lợi, khơi thông dòng chảy; điều tiết nước hợp lý đảm bảo tưới, tiêu hiệu quả./.