Tham gia lớp tập huấn có đại diện các cơ quan, đơn vị gồm: Cục Văn hóa cơ sở; Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phòng Quản lý Văn hóa thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình; Lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Lạc Sơn, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lạc Sơn; Lãnh đạo Ủy ban nhân dân và Trưởng các ban, ngành, đoàn thể xã Nhân Nghĩa. Đại diện các thành viên Câu lạc bộ dân ca, dân vũ dân tộc Mường, xã Nhân Nghĩa.
Lớp tập huấn nhằm mục đích cung cấp kiến thức, giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao nhận thức, kỹ thuật về xây dựng điểm mô hình Câu lạc bộ về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở, nâng cao mức hưởng thụ, sáng tạo văn hóa cho cộng đồng các dân tộc thiểu số. Tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; bảo tồn, khai thác các giá trị văn hóa truyền thống vùng, miền, dân tộc, gắn kết phát triển du lịch cộng đồng bền vững.
Nội dung khóa tập huấn gồm: Cung cấp, phổ biến nội dung lý thuyết qua các bài giảng về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình; Xây dựng mô hình Câu lạc bộ dân ca, dân vũ dân tộc Mường xóm Vó Giò, xã Nhân Nghĩa gắn với xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; Tổ chức tuyên truyền cổ động trực quan giới thiệu quảng bá giá trị văn hóa truyền thống trên phương tiện thông tin đại chúng; Tổng kết chương trình tập huấn; giao lưu văn nghệ và ra mắt mô hình Câu lạc bộ dân ca, dân vũ dân tộc Mường.
Phát biểu chỉ đạo định hướng tại lớp tập huấn, ông Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cho biết: “Trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc Mường ở tỉnh Hòa Bình nói chung và dân tộc Mường sinh sống tại huyện Lạc Sơn nói riêng, loại hình di sản văn hóa phi vật thể giữ vị trí rất đặc biệt trong đời sống của cộng đồng, không chỉ phản ánh sự đa dạng về văn hóa của dân tộc Mường nhằm đáp ứng các nhu cầu của cuộc sống từ thiết yếu về nơi cư trú đến văn hóa tín ngưỡng… mà qua đó còn khẳng định bề dày lịch sử văn hóa của cộng đồng dân cư, sự sáng tạo và tài hoa của các thế hệ nghệ nhân. Không những thế, các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc còn là nơi lưu giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật đặc sắc qua những lời ca, điệu múa độc đáo đi cùng với trang phục, nhạc cụ truyền thống… thể hiện sinh động cuộc sống hiện thực, thế giới quan và nhân sinh quan. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường thông qua các hình thức tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng… có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh hiện nay, vừa giáo dục lòng tự hào về truyền thống của dân tộc, cộng đồng vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương”.
Thực hiện chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu các dân tộc tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2018 - 2030”. Những năm gần đây, công tác bảo tồn di sản văn hóa ở tỉnh Hòa Bình nói chung và trên địa bàn huyện Lạc Sơn nói riêng được quan tâm đầu tư với sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến địa phương, sự hỗ trợ tận tình của các chuyên gia, các nhà quản lý văn hóa, các nghệ nhân dân gian, nhiều hội thảo, tọa đàm, lớp tập huấn đi cùng các dự án bảo tồn giá trị di sản văn hóa được triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả. Chính vì vậy, công tác giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đang từng bước được nâng lên, trong đó có văn hóa dân tộc Mường, góp phần phát triển đồng bộ về văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội trên địa bàn tỉnh Hòa Bình./.