Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đã tập trung chỉ đạo khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để đẩy mạnh công tác phát triển công nghiệp chế biến, sơ chế, bảo quản, xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản gắn với phát triển vùng nguyên liệu. Với chủ trương của tỉnh và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị bước đầu đã đạt được một số kết quả khả quan; khơi dậy phong trào phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng mở rộng quy mô, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đưa giống mới có năng suất và chất lượng vào sản xuất. Đến nay, đã có một số sản phẩm nông sản có thương hiệu trên thị trường được người tiêu dùng tin tưởng như cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, cá sông Đà, gà Lạc Sơn… Từ đó, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập cho người nông dân.
Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển công tác sơ chế, chế biến, bảo quản, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm nông sản còn nhiều tồn tại, yếu kém do các nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trên địa bàn tỉnh có trên 1.000 cơ sở sơ chế, bảo quản (gồm doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình), chủ yếu quy mô vừa và nhỏ, do cơ sở hạ tầng yếu kém, sản lượng chưa nhiều, chất lượng sản phẩm không đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu về mẫu mã, nguồn gốc sản phẩm. Có gần 500 cơ sở chế biến, nhưng chủ yếu là cơ sở nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình, đã có một số nhà máy do doanh nghiệp đầu tư ở quy mô vừa, nhưng chủ yếu là áp dụng công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, hao tổn nguyên liệu lớn, gây ô nhiễm môi trường. Nguyên liệu từ nguồn sản xuất trong tỉnh phục vụ nhà máy không đủ, chỉ đáp ứng từ 20 - 60% công suất thiết kế.
Thời gian tới, tỉnh tăng cường công tác sơ chế, chế biến, bảo quản, xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản phù hợp tiến trình phát triển, hội nhập của cả nước và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 trên cơ sở khai thác đầy đủ cơ hội, tiềm năng, lợi thế. Tăng cường phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu theo quy mô công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, cải tạo, nâng cấp các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản theo hướng hiện đại, tạo ra sản phẩm có giá trị cao, sức cạnh tranh, phù hợp với vùng nguyên liệu, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái bền vững. Thực hiện công tác xúc tiến thương mại và tiêu thụ nông sản theo hướng hiện đại có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên thị trường thủ đô Hà Nội và xuất khẩu. Huy động mọi nguồn lực, thành phần kinh tế tham gia sản xuất, chế biến, xúc tiến tiêu thụ nông sản.
Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025 đầu tư nâng cấp cho 20% số cơ sở sơ chế và bảo quản là doanh nghiệp, hợp tác xã hiện có theo quy mô công nghiệp, đảm bảo an toàn thực phẩm, trong đó có ít nhất 10 cơ sở đáp ứng yêu cầu về xuất khẩu. Cải tạo và nâng cấp 9 nhà máy chế biến nông lâm thủy sản quy mô vùa lên quy mô hiện đại, đảm bảo môi trường sinh thái, đáp ứng yêu cầu về xuất khẩu. Thực hiện công tác xúc tiến thương mại có trọng tâm, trọng điểm với 150 hội chợ, tuần lễ, hội nghị xúc tiến, áp dụng thương mại điện tử tại địa bàn tỉnh và một số tỉnh thành có sức tiêu thụ mạnh. Trong đó có ít nhất 25 hội chợ, tuần lễ, hội nghị xúc tiến có quy mô đủ lớn tại thị trường thế giới nhằm mục đích xuất khẩu. Xây dựng phần mềm và cấp tem truy suất nguồn gốc cho 20% số cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản; ưu tiên cấp tem cho 100% cơ sở tham gia bán hàng tại thị trường Hà Nội và xuất khẩu. 70% số cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh nông sản được lấy mẫu giám sát, hậu kiểm về an toàn thực phẩm tại thị trường trong, ngoài tỉnh và nông sản xuất khẩu. 50% sản phẩm nông, thủy sản chủ lực, có tiềm năng, lợi thế được tiêu thụ tại các siêu thị, hệ thống bán lẻ, chợ đầu mối của thánh phố Hà Nội và một số tỉnh thành có sức tiêu thụ lớn. Định hướng đến năm 2030 tiếp tục chỉ đạo thực hiện các mục tiêu đề ra, đầu tư nguồn lực và huy động các thành phần kinh tế tham gia thực hiện đảm bảo nâng cao tối thiểu tăng 10% các chỉ tiêu đã hoàn thành giai đoạn 2021 - 2025./.