DetailController

Thủy sản

Tăng cường sản xuất và phòng, chống rét trong nuôi trồng thủy sản nuôi

20/12/2023 16:30
Ngày 18/12, Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành Công văn số 3705 /SNN-TS gửi Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố về việc tăng cường sản xuất và phòng, chống rét trong nuôi trồng thủy sản nuôi.
Sở Nông nghiệp và PTNT yêu cầu UBND các huyện, thành phố tăng cường sản xuất và phòng, chống rét trong nuôi trồng thủy sản nuôi.

Thực hiện Công văn số 1481/TS-NTTS  ngày 04/12/2023 của Cục Thủy sản về việc tăng cường sản xuất và phòng chống rét trong nuôi trồng thủy sản.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết từ tháng 12/2023 và đầu năm 2024 hiện tượng rét đậm, rét hại sẽ xảy ra tại các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ có thể gây ảnh hưởng bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thuỷ sản nuôi. Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết, đảm bảo an toàn cho sản xuất, giảm thiểu thiệt hại cho nuôi trồng thủy sản; đồng thời đảm bảo tốt công tác chuẩn bị các điều kiện cho vụ nuôi năm 2024. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố quan tâm triển khai kế hoạch sản xuất và chủ động triển khai một số nội dung, cụ thể như sau:

Thường xuyên cập nhập thông tin diễn biến thời tiết, không khí lạnh để phổ biến, hướng dẫn các biện pháp chống rét cho cơ sở sản xuất giống thuỷ sản, lưu, ương dưỡng giống, nuôi thương phẩm nhằm giữ an toàn cho thuỷ sản nuôi, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại, đảm bảo sản xuất cung cấp đủ thực phẩm cho thị trường các tháng cuối năm, nhất là Tết nguyên đán;

Chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với địa phương, hướng dẫn thực hiện các biện pháp kỹ thuật chống rét cho thuỷ sản nuôi; thống kê diện tích, đối tượng nuôi, lượng giống thả và dự kiến sản lượng của các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn; kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện của các đơn vị;

Rà soát nhu cầu con giống, khả năng sản xuất giống tại chỗ, xây dựng kế hoạch và các giải pháp sản xuất đáp ứng nhu cầu giống nuôi ngày từ đầu năm 2024;

Chủ động  thực  hiện  và  phối  hợp với cơ quan chức năng, chuyên môn thường xuyên quan trắc, cảnh báo môi trường vùng  nuôi và phòng chống dịch bệnh cho thủy sản nuôi. Tuân  thủ các khuyến cáo tại các bản tin thông báo kết quả quan trắc môi trường của cơ quan chuyên môn và các hướng dẫn kỹ thuật kèm theo;

Trong trường  hợp rét đậm,  rét  hại  kéo  dài  gây  thiệt  hại  lớn  cần  tham mưu cho Ủy  ban nhân  dân  tỉnh  xây  dựng phương án hỗ trợ thiệt  hại cho người nuôi  theo  nội  dung  Nghị định  số 02/2017/NĐ-CP ngày  09/01/2017  của  Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh;

Thực hiện một số biện pháp phòng, chống rét cho thủy sản nuôi.

* Đối với ao nuôi

Duy trì mức nước ao nuôi từ 1,5 – 2,0 m, đối với những vùng không thuận lợi về nước cấp, ở phía Đông Bắc của ao nuôi đào 01 rãnh sâu 0,5m so với đáy để làm nơi trú ngụ cho cá;

Trên mặt ao thả bèo tây kín 1/2 – 2/3 diện tích ao về phía Đông Bắc (bèo được gom vào một góc ao, không để bèo che kín hết diện tích mặt ao, làm giảm độ thoáng của ao) hoặc có thể làm khung, che phủ bề mặt ao bằng nylon trắng, che cách mặt nước ao từ 0,4 - 0,5 m để ngăn gió, tăng khả năng giữ nhiệt độ cho nước ao nuôi.

Hàng ngày theo dõi chất lượng nước ao nuôi, không bón phân hữu cơ, phân vô cơ xuống ao, giữ cho nước sạch để phòng tránh dịch bệnh. Bổ sung lượng nước cần thiết đảm bảo độ sâu mực nước theo yêu cầu kỹ thuật. Quan sát phát hiện các hiện tượng bất thường để xử lý kịp thời.

Ngoài ra sử dụng vôi bột rắc xung quanh ao và giữa ao, liều lượng 2-3 kg/100m2. Dọn sạch cỏ, rác, thức ăn thừa ở nơi cho cá ăn, để diệt trùng và nấm gây bệnh cho cá.

Khi nhiệt độ nước ao nuôi xuống dưới 150c thì ngừng cho cá ăn; vào thời điểm nắng ấm trong ngày có thể cho ăn bằng thức ăn tinh, thức ăn chế biến, thức ăn hỗn hợp.

* Đối với lồng nuôi

Di chuyển lồng nuôi vào các eo ngách, chọn nơi kín gió (tránh gió Đông Bắc) để đặt lồng, bè hoặc sử dụng nilon sáng màu để phủ kín mặt lồng nuôi hoặc thả sâu lồng nuôi từ 1,8-2,0 m;

Định kỳ vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ, thông thoáng để nước lưu thông; treo túi vôi trước dòng chảy hoặc khu vực cho cá ăn để khử trùng môi trường nước, diệt tác nhân gây bệnh cho cá nuôi (treo túi vôi cách mặt nước khoảng 1/3 - 1/2 độ sâu của nước trong lồng bè, liều lượng khoảng 2 - 4 kg vôi/10 m3 nước);  

Cho thủy sản nuôi ăn đầy đủ, sử dụng thức ăn có chất lượng cao, khẩu phần ăn phù hợp và bổ sung vitamin để tăng sức đề kháng. 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện. Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất khi xảy ra sự cố và kết quả triển khai về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Thủy sản, Tổ 10, Phường Phương Lâm, Thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) để phối hợp xử lý, chỉ đạo ./.