DetailController

Quốc phòng - An ninh

Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”

29/05/2023 16:11
Thời gian qua, cùng với sự phát triển của khoa học - công nghệ, một số đối tượng đã lợi dụng để hoạt động phạm tội, trong đó có tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Các đối tượng đã sử dụng chiêu thức quảng cáo qua mạng xã hội (như zalo, facebook…), lập ra các ứng dụng (APP), các trang mạng xã hội, ứng dụng vay tiền trực tuyến trên không gian mạng… để tiếp cận người vay và cho vay với lãi suất cao.

Đến tháng 5/2023, trên địa bàn tỉnh Hoà Bình có tổng số 45 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, 58 người làm nghề (giảm so với cùng kỳ năm trước 09 cơ sở, 10 người). Trong đó, địa bàn tập trung nhiều các cơ sở chủ yếu là thành phố Hòa Bình và các huyện: Lạc Sơn, Lương Sơn, Lạc Thuỷ, Đà Bắc... Đa phần các cơ sở kinh doanh cầm đồ chấp hành đúng các quy định về kinh doanh cầm đồ, lãi suất. Tuy nhiên, qua kiểm tra của lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 12 cơ sở cầm đồ vi phạm về các hành vi như: Cầm cố tài sản không chính chủ, không lập hợp đồng cầm đồ, không ghi sổ, cho vay tiền với lãi suất cao hơn lãi suất quy định...

Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh tuyên truyền về các chính sách, gói hỗ trợ vay ưu đãi; tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận các ngồn vốn để phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. Bên cạnh đó, các cơ quan, ban, ngành chức năng cũng hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu vay vốn kịp thời cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách, học sinh, sinh viên để đầu tư phát triển kinh tế, học tập… (như: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã ký kết Chương trình phối hợp số 11/CTrPH-MTTQ-NHCS, ngày 25/4/2023 với Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, trong đó có nội dung thông tin rộng rãi, kịp thời về hoạt động vay vốn ưu đãi, các quỹ hỗ trợ của nhà nước để nhân dân biết và tiếp cận nguồn vốn vay…). Đồng thời, chỉ đạo tăng cường và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện các quy định, chính sách điều hành tài chính theo kế hoạch đề ra. Qua đó, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống của người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, hạn chế người dân tìm đến “tín dụng đen”.

Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh Hòa Bình cơ bản được kiểm soát; tình trạng treo biển, dán tờ rơi, đăng tin quảng cáo cho vay đã không còn diễn ra như những năm trước đây; hoạt động cho vay lãi nặng, sử dụng các đối tượng có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy để siết nợ, đòi nợ không còn công khai, manh động.

Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Tổ công tác liên ngành (gồm: Công an tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chi Cục quản lý thị trường tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Hoà Bình, Cục thuế tỉnh...) tổ chức 15 lượt kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự trên địa bàn, xử phạt hành chính 12 cơ sở vi phạm với tổng số tiền 39 triệu đồng. Chỉ đạo lực lượng Công an tỉnh lập danh sách, nắm tình hình và quản lý chặt chẽ 96 đối tượng có biểu hiện liên quan đến hoạt động “tín dụng đen trên địa bàn. Đa số các đối tượng trên đều là các cá nhân, hộ gia đình không đăng ký kinh doanh dịch vụ cầm đồ, tuy nhiên các đối tượng này vẫn hoạt động cho vay “ngầm”, việc vay tiền giữa các đối tượng này và khách đều bí mật, thoả thuận bằng miệng, việc vay mượn tiền này đều không thể hiện lãi suất, chỉ là giao dịch dân sự.

Công an tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Công an 11 tỉnh, thành phố trong trao đổi thông tin, phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với tội phạm có tổ chức và tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, đã tạo được sự gắn kết giữa các Công an các địa phương trong việc phối hợp phát hiện, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”.

Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Tổ công tác liên ngành (gồm: Công an tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chi Cục quản lý thị trường tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Hoà Bình, Cục thuế tỉnh...) tổ chức 15 lượt kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự trên địa bàn, xử phạt hành chính 12 cơ sở vi phạm với tổng số tiền 39 triệu đồng. Chỉ đạo lực lượng Công an tỉnh lập danh sách, nắm tình hình và quản lý chặt chẽ 96 đối tượng có biểu hiện liên quan đến hoạt động “tín dụng đen trên địa bàn. Đa số các đối tượng trên đều là các cá nhân, hộ gia đình không đăng ký kinh doanh dịch vụ cầm đồ, tuy nhiên các đối tượng này vẫn hoạt động cho vay “ngầm”, việc vay tiền giữa các đối tượng này và khách đều bí mật, thoả thuận bằng miệng, việc vay mượn tiền này đều không thể hiện lãi suất, chỉ là giao dịch dân sự.

Các sở, ban, ngành chức năng, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức phòng ngừa và vận động cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và quần chúng nhân dân không tham gia hoạt động, tiếp tay cho tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”; tổ chức các hoạt động truyền thông về phòng, chống tội phạm, trong đó có nội dung phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan hoạt động “tín dụng đen”. Kết quả: các cơ quan, đơn vị chức năng đã tổ chức 102 cuộc tuyên truyền lưu động với 57.835 lượt người tham gia; tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh 187 cuộc đến khoảng 27.143 lượt người được nghe; treo hàng chục tấm pano, áp phích tuyên truyền; xây dựng, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội hàng trăm lượt tin, bài về phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền kết hợp cảnh báo trước những hình thức cho vay trực tuyến và những nguy cơ bị lừa đảo khi tham gia các loại hình cho vay này; tiến hành rà soát, ngăn chặn hơn 2.600 trang web lừa đảo, trong đó bao gồm việc quảng cáo loại hình cho vay tiền trực tuyến nhanh chóng để dụ dỗ các nạn nhân tham gia. Chỉ đạo duy trì, xây dựng, nhân rộng hoạt động các mô hình tự quản về an ninh, trật tự; xây dựng, củng cố lực lượng nòng cốt ở cơ sở để tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác, đấu tranh với tội phạm và các hành vi phạm pháp luật liên quan hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn.

Trong thời gian tới, để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả hoạt động của tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, UBND tỉnh yêu cầu cần huy động sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan hoạt động “tín dụng đen”; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tuyên truyền phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan hoạt động “tín dụng đen” với hình thức đa dạng, nội dung phù hợp với đặc điểm từng địa bàn, đối tượng, trong đó chú trọng tuyên truyền thông qua các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, nền tảng di động… Lực lượng Công an tỉnh siết chặt công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự có liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố và tiến hành khởi tố, điều tra đối với tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát nhân dân và Toà án nhân dân đưa ra truy tố, xét xử các đối tượng có hành vi phạm tội liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” theo đúng quy định của pháp luật. Các lực lượng chức năng (Công an tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chi Cục quản lý thị trường tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Hoà Bình, Cục thuế tỉnh...) thường xuyên phối hợp chặt chẽ trong việc trao đổi thông tin, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn./.