DetailController

Trồng trọt

Tăng cường liên kết, khuyến khích phát triển các loại cây có múi

16/01/2014 00:00
Thời gian gần đây, ngoài đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp nói chung thì tỉnh Hòa Bình cũng đang có nhiều giải pháp phát triển các loại cây có múi. Trên thực tế, các loại cây có múi đã và đang dần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó không chỉ giúp người nông dân từng bước làm giàu chính đang ngay trên mảnh đất quê hương mình mà còn góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Vụ cam năm nay, gia đình bác Đinh Công Bình ở đội 7, thị trấn Cao Phong huyện Cao Phong trồng hơn 1 ha cam Xã Đoài cho thu lãi 600 triệu đồng

 Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cây ăn quả có múi bắt đầu được đưa vào trồng tập trung trên địa bàn tỉnh từ trên 40 năm nay, chủ yếu ở các nông trường cũ, người dân có kinh nghiệm trong trồng và chăm sóc cây có múi. Những năm gần đây việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, đưa những giống mới tiến bộ thay thế giống cũ, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, chú trọng đầu tư thâm canh, rải vụ đã mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập, đã hình thành những vùng sản xuất cây ăn quả có múi tập trung mang tính hàng hóa khá rõ nét như vùng cam ở huyện Cao Phong, Lạc Thủy; vùng bưởi tại huyện Tân Lạc, Lương Sơn...Theo thống kê, trong 3 năm gần đây, diện tích cam và cây có múi của tỉnh đã tăng lên rất nhanh. Trong đó, diện tích cam và cây có múi tăng 502 ha (tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 22,4%), trong đó diện tích trồng mới trong thời kỳ kiến thiết cơ bản chiếm 329 ha. Năng suất cây có múi của tỉnh đạt trung bình 25 tấn/ha, thuộc diện cao so với bình quân chung cả nước, trong đó có những mô hình đạt 50-60 tấn/ha. Ngoài ra, sản lượng cam và cây có múi của tỉnh đạt khoảng 25,5 nghìn tấn, thuộc loại cao nhất của khu vực miền núi phía Tây Bắc.

Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay cam là cây có múi chủ lực, chiếm trên 72,5% cơ cấu cây có múi của tỉnh. Diện tích phân bố chủ yếu tại 4 huyện là Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy, Yên Thủy. Trong đó một số giống cam chủ lực như giống cam chín sớm có Cam CS1, Quýt ôn châu; chính vụ có cam Xã Đoài, cam Vân Du, một số giống quýt bản địa; chín muộn có cam đường canh, cam V2. Trong đó một số giống cam có năng suất, chất lượng tốt được đưa vào trồng thay thế dần những giống có chất lượng thấp như cam CS1, cam Marrs, cam V2. Bên cạnh đó, cây bưởi, chiếm 24% cơ cấu diện tích của toàn tỉnh, tập trung chính ở các huyện Tân Lạc, Lương Sơn và Yên Thủy. Trong đó chủ yếu là một số giống bưởi có chất lượng cao như bưởi diễn, bưởi đỏ, bưởi da xanh. Cây chanh cũng là cây có múi được phát triển mạnh trong 3 năm gần đây, tuy diện tích vẫn còn hạn chế, chiếm 3,1% cơ cấu diện tích nhưng đây cũng là cây khẳng định giá trị kinh tế cao và ổn định.

          Đặc biệt, những năm gần đây, các vùng chuyên canh cây có múi đã được các sở, ban, ngành và địa phương quan tâm triển khai. Vì vậy có nhiều hộ, trồng cây có múi nói chung, cây cam nói riêng đã thu lãi từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/ha. Để làm được điều đó các hộ sản xuất đã áp dụng khá tốt nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc; đúng lúc; đúng nồng độ và liều lượng; đúng cách) trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phòng trị sâu bệnh hại cây có múi. Thời gian cách ly sau phun thuốc được nông dân thực hiện tốt; trong 3 năm qua, tất cả các mẫu sản phẩm do cơ quan chức năng lấy mẫu phân tích đều không có dư lượng thuốc báo vệ thực vật hoặc có ở dưới mức cho phép. Tuy nhiên, việc phòng trừ dịch hại của hầu hết các hộ nông dân vẫn đang phụ thuộc chủ yếu vào biện pháp hóa học mà chưa áp dụng hiệu quả biện pháp phòng trừ tổng hợp. Mặt khác, đa số người sản xuất  lựa chọn thuốc BVTV theo khuyến cáo của các cửa hàng, đại lý kinh doanh nên tình trạng phun kép, hỗn hợp nhiều loại thuốc là khá phổ biến, làm tăng thêm chi phí.

          Người sản xuất lựa chọn cây giống khá kỹ, bao gồm cả nguồn giống sản xuấtt tại chỗ và giống do các trung tâm, viện nghiên cứu sản xuất (Viện Di truyền; Trung tâm cây ăn quả có múi Xuân Mai). Phương áp nhân giống được áp dụng phổ biến nhất là ghép đoạn cành. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất hiện nay trong sản xuất, cung ứng giống cây ăn quả có múi của tỉnh là việc bình tuyển, công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu thực hiện; do vậy dù nhiều cơ sở (cả của nhà nước và tư nhân) có cơ sở vật chất và nguồn nhân lực khá tốt song chưa đảm bảo đủ điều kiện để sản xuất giống cây ăn quả có múi. Bên cạnh đó, 100% sản lượng cây có múi trên địa bàn hiện nay được thu hoạch thủ công; cách thức thu hoạch được nông dân thực hiện khá cẩn thận, vừa hạn chế ảnh hưởng đến mẫu mã quả, vừa hạn chế đến sinh trưởng của cây năm tiếp theo. Tuyệt đại đa số sản lượng cây có múi được thu hoạch và bán tươi, chỉ một phần nhỏ diện tích bưởi và cam V2 được bảo quản ngay trên cây để kéo dài thời vụ. Tại các vùng trồng cây có múi tập trung hiện nay, chỉ khoảng 5% sản lượng được các hộ sản xuất bán lẻ, còn lại 95% sản lượng được bán buôn, riêng khu vực thị trấn Cao Phong, lượng bán lẻ chiếm khoảng 20% còn lại 80% bán buôn. Thị trường tiêu thụ sản phẩm cây có múi chủ yếu là thành phố Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng; sản phẩm cũng đã bắt đầu đưa vào thị trường các tỉnh phía Nam và hệ thống siêu thị.

Để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất cây ăn quả có múi, đến nay, việc quy hoạch diện tích sản xuất cam an toàn tập trung của tỉnh đã cơ bản hoàn thiện, đã thẩm định xong và đang trong quá trình trình UBND tỉnh quyết định phê duyệt quy hoạch. Theo đó đến năm 2020, diện tích quy hoạch vùng sản xuất cam an toàn tập trung khoảng 3.000ha. Trên cơ sở đó, tỉnh cũng đã đưa ra các giải pháp phát triển như tiếp tục đề xuất xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích lưu thông, thu mua sản phẩm cây có múi an toàn, gắn với việc quảng bá, phát triển thương hiệu sản phẩm. Hỗ trợ xúc tiến thương mại gắn kết giữa những doanh nghiệp tiêu thụ lớn với người sản xuất và các vùng sản xuất tập trung; khuyến khích việc tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng; tìm kiếm thị trường xuất khẩu, nhất là những thị trường truyền thống đã có trước đây nhằm tiến tới xuất khẩu trực tiếp để tạo đầu ra ổn định cho diện tích cây có múi của tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các viện nghiên cứu tiếp tục bổ sung những giống cây ăn quả có múi mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm và rải vụ thu hoạch; xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, sơ chế, bảo quản sản phẩm; đầu tư nâng cấp các cơ sở sản xuất giống cây trồng nhằm khai thác hiệu quả nguồn gien cây có múi. Tổ chức bình tuyển, công nhận cây đầu dòng, xây dựng vườn cây đầu dòng để sản xuất giống cây ăn quả chất lượng cao cung cấp cho sản xuất; đầu tư cho công tác thủy lợi phục vụ tưới tiêu, chú trọng khả năng lưu chứa và an toàn hồ chứa với hệ thống bai, đập, kiên cố hóa kênh mương nhằm khai thác hiệu quả nguồn nước tưới cho cây có múi. Đặc biệt chú trọng việc áp dụng các kỹ thuật tưới tiên tiến để nâng cao hiệu quả sử dụng nước; kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nước hoa quả cho các vùng sản xuất tập trung; tăng cường liên kết giữa các hộ sản xuất nhằm, khuyến khích hình thành hội nghề nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây có múi; tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức cho người sản xuất và cán bộ kỹ thuật; chú trọng công tác đảm bảo an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, sơ chế đến tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh việc ứng dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) và công tác chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế sản phẩm cây có múi; Xây dựng các mô hình ứng dụng các công nghệ mới tiên tiến trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây có múi an toàn, làm cơ sở mở rộng trong sản xuất đại trà.