DetailController

Chăn nuôi

Tăng cường kiểm soát việc lạm dụng kháng sinh, kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản

09/08/2022 00:00
Ngày 9/8/2022, Chi cục Chăn nuôi và Thú y ban hành Công văn số 612 gửi Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện; Phòng Kinh tế thành phố Hòa Bình về việc tăng cường kiểm soát việc lạm dụng kháng sinh, kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản.
Tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi trồng thủy sản chỉ sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh cho động vật thủy sản theo đúng hướng dẫn

Thực hiện công văn số 1139/ TY- TS ngày 22/7/2022 của Cục Thú y về việc tăng cường kiểm soát việc lạm dụng kháng sinh, kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản. Theo  báo cáo của Cục Thú y trong thời gian vừa qua đã phát hiện 12 mẫu giám sát có tồn dư hóa chất, kháng sinh cấm thuộc nhóm Enrofloxacin, Ciprofloxacin, Ofloxacin và Chloramphenicol, tập trung chủ yếu trên các đối tượng tôm sú, tôm chân trắng, cá tra;  cho thấy việc quản lý kinh doanh thuốc thú y thủy sản còn bất cập và chưa hiệu quả, vẫn còn hiện tượng sử dụng kháng sinh dùng cho người, nguyên liệu kháng sinh, kháng sinh cấm hoặc sử dụng kháng sinh không đúng theo hướng dẫn trong nuôi trồng thủy sản. Để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, ngăn ngừa lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản và giảm thiểu tình trạng kháng kháng sinh. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đề nghị Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Phòng Kinh tế thành phố phối hợp thực hiện một số nội dung cụ thể như sau:

Tăng cường quản lý tốt các cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán thuốc thú y, thuốc thú y thủy sản trên địa bàn; thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống kháng kháng sinh trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y, thú y thủy sản trên địa bàn.

Chủ động phối hợp với các Đoàn kiểm tra chuyên ngành, liên ngành để kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các cơ sở kinh doanh thuốc thú y thủy sản, cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn; lấy mẫu thuốc thuốc thú y để kiểm tra chất lượng; thu hồi, tiêu hủy thuốc thú y kém chất lượng, thuốc cấm sử dụng, thuốc nhập lậu, không có trong danh mục được phép lưu hành, thuốc giả, ghi sai nhãn mác, ghi sai công dụng, gian lận thương mại; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi trồng thủy sản chỉ sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh cho động vật thủy sản theo đúng hướng dẫn; tuân thủ nghiêm việc sử dụng, ngừng sử dụng kháng sinh trước khi thu hoạch nhằm hạn chế tối đa dư lượng kháng sinh; không sử dụng kháng sinh nguyên liệu, thuốc dùng trong y tế, kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.

Đẩy mạnh giám sát dịch bệnh thủy sản tại cơ sở. Hướng dẫn người nuôi trồng thủy sản chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh, đặc biệt vào giai đoạn giao mùa, tuân thủ lịch mùa vụ và quy trình nuôi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về thủy sản./.