DetailController

Chăn nuôi

Tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản

26/06/2023 16:30
6 tháng đầu năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành 45 văn bản gồm: 04 kế hoạch, 02 công văn chỉ đạo và 39 văn bản chỉ đạo điều hành liên quan đến công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Công tác ATTP nông lâm thủy sản có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sở, ngành trong tỉnh; nhờ đó chất lượng thực phẩm được nâng cao, xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản và hỗ trợ xuất khẩu nông sản có bước tiến.
Đảm bảo chất lượng thực phẩm ngay từ khâu sản xuất nhằm tạo nguồn thực phẩm sạch tới tay người tiêu dùng

Trong nửa năm nay, ngành Nông nghiệp đã thực hiện hướng dẫn và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 28 cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản; thẩm định và cấp 19 giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón và 16 giấy chứng nhận đủ điểu kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật cho các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; cấp 06 mã số vùng trồng đạt yêu cầu phục vụ tiêu thụ trong nước cho các vùng trồng cây rau các loại, củ cải, dưa hấu, bưởi với tổng diện tích cấp mã số là 72,5 ha; kiểm tra, đánh giá hồ sơ cho 04 vùng trồng bưởi đề nghị cấp mã số xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ, Newzealand, xác nhận 01 bộ hồ sơ quảng cáo thuốc Bảo vệ thực vật (BVTV), tiếp nhận 02 bộ hồ sơ công bố hợp quy về phân bón. Triển khai công tác giám sát đối với 10/21 mã số vùng trồng đã cấp và 03/09 cơ sở đóng gói, kết quả: 10/21 mã số vùng trồng đã cấp đảm bảo duy trì theo đúng quy định; nhắc nhở 01 mã số cơ sở đóng gói tại huyện Lương Sơn hoàn thiện các yêu cầu về nhà xưởng để duy trì mã số khi thực hiện xuất khẩu; 01 cơ sở đề nghị hủy mã số cơ sở đóng gói được cấp do chuyển đổi mục đích sử dụng; 01 mã số cơ sở đóng gói không đảm bảo các điều kiện duy trì.      

Đến nay đã hỗ trợ chứng nhận VietGAP, tiêu chuẩn GlobalGAP, hữu cơ cho 147 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, gồm: 82 cơ sở trồng trọt được chứng nhận VietGAP với quy mô 2121,41 ha (rau, quả các loại), 07 cơ sở chứng nhận GlobalGAP với quy mô 124,4 ha (Nhãn, bưởi, thanh long, rau các loại); 10 cơ sở chứng nhận theo tiêu chuẩn  hữu cơ trong trồng trọt với quy mô 60,74 ha; 15 cơ sở nuôi trồng thủy sản, với quy mô 1.965 lồng; 27 cơ sở chăn nuôi (gà, lợn, bò, dê) với quy mô 1573,32 tấn sản phẩm/năm; 06 cơ sở nuôi ong với quy mô 4.748 đàn.

Triển khai 02 cuộc thanh tra theo kế hoạch việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm trong chế biến, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản tại 11 cơ sở, kết quả: 9/11 cơ sở được thanh tra chấp hành tốt các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm trong chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản; phát hiện 02 cơ sở vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tiến hành xử lý vi phạm hành chính đối với 02 cơ sở với tổng số tiền phạt là 8.000.000 đồng…

Để đảm bảo an toàn thực phẩm, tiếp tục quản lý tốt vật tư nông nghiệp, 6 tháng cuối năm 2023, ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, phổ biến, giáo dục các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. Tăng cường quảng bá sản phẩm của các doanh nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm và đã được chứng nhận; kịp thời thông tin về sản phẩm không đảm bảo chất lượng, an thực phẩm để người tiêu dùng có các biện pháp ứng xử cho phù hợp. Hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào các chuỗi liên kết, sản xuất thực phẩm an toàn; kết nối các doanh nghiệp trong chuỗi tham gia các hội chợ; tuần lễ, diễn đàn giới thiệu nông sản an toàn. Tăng cường hỗ trợ các cơ sở sản xuất áp dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ cấp mã số vùng trồng cho các cơ sở trồng trọt; cơ sở đóng gói sản phẩm để phục vụ cho việc xuất khẩu.

Triển khai chương trình giám sát về an toàn thực phẩm theo Thông tư số 08/2016/TT-BNNPTNT ngày 01/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT; Thực hiện công tác hậu kiểm theo phân công, phân cấp tại Nghị định 15/NĐ-CP về hướng dẫn Luật an toàn thực phẩm thông qua việc lấy mẫu sản phẩm kinh doanh và chế biến, bao gói sẵn nhằm đánh giá chất lượng sản phẩm sau công bố. Thường xuyên tổ chức lấy mẫu giám sát chất lượng VTNN và sản phẩm nông lâm thủy sản để kiểm định chất lượng, an toàn thực phẩm. Thực hiện truy xuất nguồn gốc, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; kịp thời cảnh báo cho người tiêu dùng về các sản phẩm và cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm. Tiếp tục thực hiện nghiêm hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm lĩnh vực ngành quản lý. Tổ chức nắm tình hình, xác minh thông tin và tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; Chỉ đạo các chi cục chuyên ngành tăng cường nắm thông tin, từ đó đề xuất việc thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm. Phối hợp với Sở Công thương, Sở Y tế và Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tiến hành thanh tra, kiểm tra liên ngành việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm….