DetailController

Giáo dục

Tăng cường công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người Khuyết tật

08/12/2014 00:00
Dạy nghề là một nội dung quan trọng trong việc bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo nhu cầu giải quyết việc làm cho lao động. Đối với người khuyết tật (NKT), dạy nghề là tiền đề tạo cơ hội việc làm và xúc tiến việc làm, giúp họ từng bước hòa nhập cộng đồng.

Hiện nay, tỉnh Hòa Bình có gần 16.000 NKT, chiếm 1,65% dân số toàn tỉnh, trong đó: Thương binh, người bị tai nạn lao động, giao thông có trên 2.000 người; khuyết tật xã hội có 13.500 người; số NKT có khả năng lao động là 6.720 người, chiếm 44,3% tổng số NKT. Toàn tỉnh có 1 trung tâm Công tác xã hội công lập và 4 cơ sở bảo trợ xã hội dân lập có chức năng dạy nghề cho NKT trên địa bàn.

Trong giai đoạn 2012 – 2014, được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc thực hiện Đề án 1019 trợ giúp cho NKT đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu. Các lớp dạy nghề cho NKT đã cơ bản bám sát được mục tiêu, chủ yếu là các nghề truyền thống như thêu ren, dệt thổ cẩm, mây tre đan…phù hợp với sức khỏe của NKT, qua đó đã xác định được những ngành nghề phù hợp với NKT trên địa bàn, nhiều học viên sau khi tham gia học nghề đã có việc làm ổn định tại các trung tâm, cơ sở hoặc tại gia đình tự tạo việc làm có thu nhập cho gia đình và bản thân. Cụ thể như: Trung tâm dạy nghề cho NKT Long Thành thuộc thành phố Hòa Bình đã tổ chức dạy nghề được 7 lớp với số học viên 375 người, kinh phí đào tạo 700 triệu đồng, hiện tại trung tâm có 65 em là NKT đang được nuôi dưỡng và dạy nghề như các nghề: May công nghiệp, sửa chữa xe máy, chổi chít, mây tre đan, thợ mộc, thêu ren bằng tay,… Sau khi học xong, các học viên đã cơ bản được bố trí việc làm ở công ty may 8-3; Công ty may sông đà. Trung tâm Bảo trợ xã hội Minh Đức là cơ sở ngoài công lập thuộc huyện Lương Sơn đã dạy nghề cho 105 học viên sau khi học xong đều có công việc ổn định, tạo thêm thu nhập cho bản thân và gia đình. Cơ sở Bảo trợ xã hội Thuận Hòa thuộc huyện Mai Châu đã dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống cho 30 học viên là NKT trên địa bàn, tạo công ăn việc làm ổn định, thường xuyên cho NKT. Hợp tác xã Vọng Ngàn (thị trấn Mãn Đức – Tân Lạc) được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hỗ trợ kinh phí để dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống và tạo việc làm cho 60 học viên, trong đó có NKT với kinh phí 250 triệu đồng; sau khi kết thúc khóa học, học viên đã có công ăn việc làm ổn định với mức thu nhập bình quân 800 - 1,2 triệu đồng / 1người/ 1tháng.

Bên cạnh đó, công tác dạy nghề và tạo việc làm cho NKT vẫn còn những khó khăn như: Các huyện và thành phố chưa có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giành riêng cho NKT, do đó NKT chủ yếu học các nghề truyền thống, còn các nghề mang tính khoa học, kỹ thuật thì ít có cơ hội tham gia và nếu có tham gia học nghề cũng ít có cơ hội tìm kiếm việc làm và kinh phí đầu tư cho NKT còn thấp, giáo viên dạy nghề chưa đạt chuẩn, vẫn mang hình thức truyền nghề là chính, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, sản phẩm đầu ra tiêu thụ chậm.

Trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tăng cường huy động mọi nguồn lực trong xã hội để thực hiện công tác xã hội hóa hoạt động dạy nghề cho NKT, tạo việc làm cho họ có thu nhập thường xuyên đảm bảo cuộc sống, không mặc cảm với xã hội, có ý thức vươn lên tạo lập cuộc sống hòa nhập cộng đồng; gắn kết việc phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị với giải quyết việc làm và dạy nghề thu hút lao động nhàn rỗi, đặc biệt ưu tiên đối với NKT còn khả năng lao động trong các lĩnh vực du lịch, thương mại, dịch vụ đô thị và công nghiệp nhẹ; liên kết với các nước xuất khẩu các mặt hàng như: Mây tre đan mỹ nghệ, dệt thổ cẩm truyền thống, thêu ren bằng tay với số lượng lớn, giúp NKT có việc làm ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống và có khả năng hòa nhập với cộng đồng/.