DetailController

Chăn nuôi

Tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh công tác thú y thủy sản và chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật cuối năm 2023 và đầu năm 2024

17/11/2023 16:30
Ngày 16/11/2023, Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành công văn số 3299/SNN-CNTY gửi Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chi cục Chăn nuôi và Thú y về việc tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh công tác thú y thủy sản và chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật cuối năm 2023 và đầu năm 2024.

Để tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh công tác thú y thủy sản và chủ động phòng, chống có hiệu quả các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản theo quy định, trong đó chú trọng một số nội dung sau:

Tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh công tác thú y thủy sản: Tổ chức triển khai có hiệu quả các nội dung theo Kế hoạch số 132/KH-UBND ngày 29/6/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và cấp đủ, kịp thời kinh phí bảo đảm triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản; tăng cường giám sát chủ động nhằm phát hiện, cảnh báo sớm nguy cơ xảy ra dịch bệnh để xử lý kịp thời hạn chế dịch bệnh lây lan.

Quản lý chặt chẽ lực lượng tiếp thị, quảng cáo và bán trực tiếp thuốc thú y tại vùng nuôi, cơ sở nuôi. Yêu cầu các đơn vị sản xuất, kinh doanh, đại lý, cửa hàng buôn bán thuốc thú y, thuốc thủy sản, thức ăn thủy sản trên địa bàn tuân thủ quy định của pháp luật về thú y, chủ động phối hợp với cơ quan thú y, nhân viên thú y xã để hướng dẫn người nuôi mua thuốc thú y tại các cơ sở đủ điều kiện, sử dụng đúng - đủ - kịp thời, không lạm dụng kháng sinh dùng cho động vật thủy sản.

Tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về thú y và thủy sản, nâng cao nhận thức và ý thức của người nuôi về phòng chống dịch bệnh thủy sản, sử dụng thuốc thú y thủy sản có trách nhiệm, mua thuốc thú y thủy sản có nguồn gốc rõ ràng, có trong danh mục được phép lưu hành, tuân thủ nghiêm ngặt việc sử dụng, ngừng sử dụng thuốc trước khi thu hoạch nhằm hạn chế tối đa dư lượng kháng sinh, đặc biệt không sử dụng kháng sinh nguyên liệu, thuốc dùng trong nhân y, kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.

Công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024: Kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tình trạng buôn bán, vận chuyển, nhập lậu gia cầm, lợn, trâu bò và các sản phẩm động vật tại địa phương theo đúng quy định và chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 1273/SNN-CNTY ngày 23/5/2023 về việc ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn tỉnh và Công văn số 2095/SNN-CNTY ngày 04/8/2023 về việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn trái phép vào địa bàn tỉnh. 

Khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng định kỳ, tiêm bổ sung vắc xin phòng các bệnh nguy hiểm (LMLM, CGC, VDNC, Tai xanh, Dại, Nhiệt thán, đặc biệt cần đẩy mạnh việc tiêm vắc xin phòng bệnh DTLCP), nhất là tại các khu vực đã từng xảy ra ổ dịch, khu vực có nguy cơ cao, bảo đảm tiêm phòng đạt tối thiểu 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm.

Tổ chức triển khai giám sát chủ động để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát hiện ở phạm vi hẹp, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo dịch bệnh, bán chạy động vật nghi mắc bệnh làm lây lan dịch bệnh; thực hiện nghiêm báo cáo dịch bệnh động vật theo quy định.

Tổ chức tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng để tiêu diệt các loại mầm bệnh lưu hành trong môi trường, nhất là tại các vùng dịch, ổ dịch cũ, cơ sở thu gom, buôn bán, giết mổ động vật,…

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đặc biệt tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chủ động phòng bệnh, không giấu dịch, không bán chạy, giết mổ, vứt xác động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh,…

Giao Chi cục Chăn nuôi và thú y: Phối hợp với các phòng ban chức năng của địa phương kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp báo cáo về việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra (báo cáo tình hình dịch bệnh động vật qua Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến VAHIS).

Tổ chức thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật và kiểm dịch thủy sản giống theo đúng quy định hiện hành.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các cơ quan chức năng tập trung chỉ đạo quyết liệt các nội dung trên./.