Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Lạc, Trần Văn An cho biết, huyện Tân Lạc có 7 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Tổng số trường của các xã thuộc vùng khó khăn là 36 trường, chiếm 26,6% gồm 333/666 lớp toàn huyện chiếm 50%. Số học sinh cấp mầm non là 1.883/4.902 tổng số trẻ toàn huyện, trong đó có 1.830 trẻ người dân tộc thiểu só, chiếm 97,1%; cấp tiểu học có 2.584/6.376 học sinh toàn huyện, trong đó có 2.491 học sinh là người dân tộc thiểu số; cấp THCS có 1.667/4.185 học sinh toàn huyện, trong đó có 1.640 học sinh là người dân tộc thiểu số.
Trong quá trình triển khai năm giáo dục vùng khó khăn, huyện đã chú trọng vào công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục, hiệu quả đào tạo. Qua đó, đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên vùng khó khăn về đổi mới phương pháp dạy học; tăng cường công tác đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng, phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh; bồi dưỡng phương pháp tự học, rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học sinh vùng khó khăn. Đồng thời, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng tăng cường các biện pháp huy động tối đa các cháu nhà trẻ, mẫu giáo ra lớp; không để trẻ em trong độ tuổi không được đến trường học tập; không để tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng vì khó khăn, thiếu các điều kiện về kinh tế. Bên cạnh đó, phòng cũng thường xuyên tổ chức cho giáo viên vùng khó khăn xuống các trường thuận lợi dự giờ, thăm lớp, rút kinh nghiệm; tổ đưa giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp huyện lên vùng khó khăn trực tiếp trao đổi, giúp đỡ giáo viên vùng khó khăn; tổ chức thi giáo viên dạy giỏi các môn học đối với giáo viên vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn; tổ chức thi học sinh giỏi các trường vùng khó khăn theo hướng gọn nhẹ; giao lưu về chuyên môn để giúp cán bộ quản lý, giáo viên vùng khó khăn nắm bắt kịp thời các nội dung chuyên môn.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng tích cực đầu tư, tăng cường, bảo đảm cho học sinh vùng khó khăn đủ sách giáo khoa, vở viết, đồ dùng dạy học, các tài liệu tham khảo tối thiểu; cung cấp đủ các loại sách giáo khoa, vở viết theo quy định.
Bên cạnh đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng đã khuyến khích đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục học tập, nâng cao trình độ. Trong đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho 97 cán bộ, giáo viên có điều kiện để học tập nâng cao trình độ trên chuẩn; tham mưu cho UBND huyện có chính sách ưu đãi đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục vùng khó khăn. Nhằm nâng cao chất lượng dạy và học cho thầy, cô giáo và các em học sinh, năm qua huyện đã tăng cường đầu tư sách thiết bị dạy học, tài liệu trang bị cho các thư viện trường khó khăn; xây dựng điểm mô hình nhà ở bán trú cho học sinh trường THCS Ngổ Luông để tạo điều kiện về nơi ở, nơi học tập để học sinh không phải đi xa. Trong năm học 2012-2013 toàn huyện đã xây dựng được 37 phòng, trong đó mầm non 9 phòng, tiểu học 20 phòng, THCS 8 phòng với tổng giá trị hơn 26 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được thì việc triển khai thực hiện năm giáo dục vùng khó khăn trên địa bàn huyện Tân Lạc vẫn còn những tồn tại. Trong đó, nguyên nhân là địa bàn phức tạp, các trường vùng khó khăn đặc biệt là bậc học mầm non và tiểu học có các chi ở xã trung tâm, hệ thống giao thông tuy đã được cải thiện song vẫn còn một số xã vùng cao việc đi lại gặp nhiều vất vả; nhận thức của nhân dân các dân tộc vùng đặc biệt khó khăn tuy đã được nâng lên nhưng vẫn còn một bộ phận nhỏ phụ huynh học sinh nhận thức về công tác giáo dục còn hạn chế; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của các trường vùng đặc biệt khó khăn mặc dù đã được đầu tư nhưng vẫn còn thiếu thốn, nhiều đơn vị trường học còn thiếu diện tích đất sử dụng, thiếu sân chơi bãi tập cho học sinh, thiếu các phòng chức năng phục vụ công tác giảng dạy và học tập; công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực phát triển giáo dục và đào tạo còn thấp do đời sống kinh tế, xã hội của huyện còn khó khăn nên tỷ lệ huy động thấp...
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trần Văn An cho biết, thời gian tới huyện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền trong các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân về mục đích của việc thực hiện và sự cần thiết của việc thực hiện năm giáo dục vùng khó khăn trong việc tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số và nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế, xã hội và nguồn nhân lực cho địa phương; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn; ưu tiên bố trí nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, nhà ở bán trú, bếp ăn tập thể, các công trình vệ sinh cho học sinh; nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện tích cực việc luân chuyển giáo viên và cán bộ quản lý để giải quyết chính sách đối với giáo viên ở vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...