Hiện nay, Tân Lạc thống kê được 60 điểm di tích, thắng cảnh, trong đó: Có 30 di tích giá trị trên địa bàn đã được kiểm kê, có 13 di tích được lập hồ sơ khoa học xếp hạng (Có 06 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 07 di di tích xếp hạng cấp tỉnh). Các di tích đền, chùa, miếu luôn gắn với tín ngưỡng dân gian của người Mường và thực hiện tốt. Các di tích trên địa bàn đều được quản lý, bảo vệ và phát huy được giá trị, góp phần thức đẩy du lịch phát triển.
Trong số các di sản văn hóa dân tộc Mường thì nhà sàn là một phần bản sắc văn hoá của người Mường. Hiện nay, số nhà sàn truyền thống đang có chiều hướng giảm mạnh, ước tính còn lưu giữ được trên 3.000 ngôi nhà sàn truyền thống. Đến nay số gia đình người Mường có nhà sàn chỉ còn khoảng 10% nhưng nhiều nhà trong số đó đã xuống cấp do thời gian, nhiều nhà chuyển sang chất liệu gạch và bê tông. Do điều kiện vật liệu gỗ, tre, nứa, lá làm nhà khó khăn, số lượng nhà sàn Mường truyền thống đang dần mất đi với tốc độ ngày càng nhanh; chỉ còn một số ít xóm, làng của người Mường có tỷ lệ nhà sàn còn được sử dụng chiếm khoảng 70 đến 80%.
Về trang phục, hiện nay, số người Mường duy trì mặc trang phục truyền thống trong sinh hoạt ngày một giảm, chủ yếu là người già, phụ nữ trung niên thuộc vùng sâu vùng xa, ước tính có khoảng 50 nghìn bộ trang phục của phụ nữ Mường được sử dụng; tình trạng giảm dần số người Mường sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc cảnh báo sẽ đánh mất một phần bản sắc văn hoá của người Mường.
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nghệ thuật Chiêng Mường được cấp uỷ, chính quyền và nhân dân quan tâm, giữ gìn và bảo vệ một cách tích cực, theo số liệu thống kê, huyện Tân Lạc còn lưu giữ được khoảng hơn 2.000 Chiêng Mường, số lượng đã giảm đi nhiều so với giai đoạn trước đó. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên do chiến tranh, do người dân chưa nhận thức đầy đủ giá trị của những bộ chiêng, do kinh tế khó khăn, do nạn săn lùng cổ vật… Trong thời gian qua, huyện Tân Lạc đã đầu tư mua sắm thêm 132 chiếc Chiêng thế hệ mới cấp cho các Đội văn nghệ cở sở; phát huy giá trị di sản của Chiêng Mường thông qua màn trình tấu Chiêng tại các Lễ hội truyền thống của dân tộc Mường.
Nhằm bảo tồn và phát huy văn hoá phi vật thể, huyện Tân Lạc đã phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện kiểm kê 100 di sản văn hoá phi vật thể và đang có phương án bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá của dân tộc. Cụ thể: Tiếng nói, lễ hội truyền thống (Tiêu biểu Lễ hội khai hạ dân tộc Mường, Lễ hội Chùa Kè, Lễ hội Đánh cá suối tháng 3), phong tục tập quán cưới hỏi, làn điệu dân ca Mường, Lịch đoi; Múa, hát, âm nhạc, hoà tấu, trò chơi dân gian, bài mo, bài khấn; tri thức dân gian (y học cổ truyền, ẩm thực truyền thống, tri thức về trang phục truyền thống, trang sức, kinh nghiệm lao động, sản xuất); nghề thủ công truyền thống (Dệt vải, đan lát, ...); văn học dân gian (hát ru, tục ngữ, ca dao, thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười, sử thi, truyện thơ dài, diễn sướng, …); các hình thức tín ngưỡng dân gian (thờ cúng tổ tiên, tục thờ đá, thờ nhà ông công, thờ thành hoàng). Tiêu biểu là Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hoà Bình đã được phục dựng, duy trì và phát triển hơn 20 năm qua; hàng năm, thu hút được khoảng 115.000 lượt nhân dân và du khách thập phương về dâng hương, tham dự lễ hội, góp phần thúc đẩy ngành du lịch - dịch vụ, đem lại nguồn thu kinh tế cho nhân dân địa phương ngày càng phát triển; ước tính có 85.000 lượt khách tham quan, du lịch, doanh thu ước đạt trên 21 tỷ đồng.
Thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá dân tộc Mường và “”Nền văn hoá Hoà Bình” giai đoạn 2023-2030 của tỉnh, huyện Tân Lạc đã thành lập được 26 câu lạc bộ (hát Thường đang, Bọ mẹng), 15 Câu lạc bộ bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, 01 Câu lạc bộ giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá Mo Mường cấp huyện với 56 thành viên; 159 đội văn nghệ xóm, khu dân cư. Năm 2023 tổ chức 01 lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho 25 học viên tại 02 điểm du lịch cộng đồng xóm Chiến, xóm Hày Dưới, xã Vân Sơn nhằm tạo ra sản phẩm trải nghiệm phục vụ khách du lịch. Hỗ trợ truyền dạy các bài chiêng, hát, múa mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc Mường cho 06 đội văn nghệ truyền thống tại các điểm du lịch cộng đồng; trang bị 110 bộ trang phục dân tộc cho đội văn nghệ, 08 bộ âm thanh đạo cụ (Loa, âm ly, Micro, …) cho các đội văn nghệ, Câu lạc bộ sinh hoạt văn hoá dân gian.
Huyện cũng đã chỉ đạo bồi dưỡng, truyền dạy các loại hình văn hóa phi vật thể để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các xã vùng cao huyện Tân Lạc để quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, con người và bản sắc văn hoá dân tộc Mường đến với du khách, bạn bè trong, ngoài nước nhằm kích cầu du lịch. Triển khai Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Hoà Bình nhằm tạo sản phẩm phục vụ phát triển du lịch mang thương hiệu Tân Lạc. Quan tâm phát hiện, bồi dưỡng các Nghệ nhân ưu tú về văn hóa dân gian, toàn huyện có 09 nghệ nhân ưu tú được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận; các nghệ nhân ưu tú đã phát huy được vai trò trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường.
Tuy nhiên, hiện nay, các di sản văn hoá vật thể, phi vật thể đang có nguy cơ giảm dần và mai một, chưa có phương án bảo vệ và khôi phục kịp thời. Ứng dụng khoa học, công nghệ, công nghệ thông tin để nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa các loại hình di sản văn hóa phi vật thể chưa được triển khai. Các nghệ nhân, người nắm giữ và thực hành di sản văn hoá tiêu biểu chưa được hưởng chính sách hỗ trợ, đãi ngộ cho nghệ nhân. Bên cạnh đó, nhà sàn truyền thống được làm bằng vật liệu gỗ, tre, nứa, lá nên thiếu tính ổn định, bền vững; mặt khác, một bộ phận người dân thích xây nhà theo phong cách hiện đại, có tiện ích cao thay thế nhũng ngôi nhà sàn truyền thống. Xu hướng sử dụng trang phục hiện đại đang làm biến đổi các chi tiết trong bộ trang phục của người phụ nữ Mường; mặt khác, người dân thích mặc các trang phục khác do sử dụng tiện lợi khi tham gia lao động sản xuất…Do đó, bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá dân tộc Mường là việc cấp thiết và có tầm quan trọng trong giai đoạn hiện nay./.