DetailController

Tin từ các đơn vị

Tân Lạc: Đảm bảo an toàn trong hoạt động khai thác khoáng sản trong mùa mưa bão

27/05/2024 16:30
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Tân Lạc tập trung quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản (TNKS) hiệu quả. Hoạt động khai thác, quản lý, bảo vệ TNKS đi vào nền nếp. UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Chú trọng tuyên truyền người dân không bán, cho thuê, sử dụng đất phục vụ KTKS trái phép, không sử dụng phương tiện, thiết bị máy móc chuyên dùng để KTKS trái phép. Nhờ vậy đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn huyện.
UBND huyện Tân Lạc yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản chủ động đảm bảo an toàn trong khai thác, đặc biệt trong mùa mưa bão

Theo kết quả đánh giá, thăm dò, TNKS trên địa bàn huyện chủ yếu là đồng, sắt, chì, kẽm, than đá và khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD). Tuy nhiên, quy mô, trữ lượng không nhiều. Hiện toàn huyện mới có 3 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động KTKS, gồm 2 doanh nghiệp khai thác đá làm VLXD thông thường tại thị trấn Mãn Đức và 1 đơn vị khai thác than tại xã Nhân Mỹ và Lỗ Sơn. Trong đó, Công ty TNHH xây dựng thương mại Hùng Mạnh được UBND tỉnh cấp phép KTKS theo Quyết định số 152/QĐ-UBND, ngày 15/12/2010, diện tích khai thác 4,9ha tại khu Mường Đầm, thị trấn Mãn Đức, công suất khai thác 40.000m3/năm; Công ty cổ phần xây dựng thương mại Phát Đạt được UBND tỉnh cấp phép KTKS theo Quyết định số 129/QĐ-UBND, ngày 5/12/2016, diện tích khai thác 6,67ha tại khu Mường Cộng, thị trấn Mãn Đức, công suất khai thác 45.000m3/năm; Công ty TNHH Tân Sơn được UBND tỉnh cấp Giấy phép KTKS số 09/GP-UBND, ngày 24/1/2018, diện tích khai thác 1,3ha tại xã Nhân Mỹ và Lỗ Sơn, công suất khai thác 4.000 tấn than/năm.

Các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trên địa bàn huyện đã chú trọng đầu tư công nghệ khai thác, chế biến, làm tăng giá trị khoáng sản, đáp ứng nhu cầu sử dụng tại địa phương. Tuy nhiên, hoạt động KTKS vẫn còn nhiều phức tạp, việc KTKS đôi khi còn tác động đến môi trường xung quanh. Đặc biệt là môi trường không khí khi việc nổ mìn khai thác và sản xuất VLXD phát tán bụi, khí thải ra môi trường. Cá biệt, có doanh nghiệp còn bị xử lý vi phạm hành chính. Từ thực tế đó, để tiếp tục làm tốt công tác quản lý nhà nước về KTKS, UBND huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn, chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống xảy ra trong mùa mưa bão năm 2024, đảm bảo an toàn cho người và tài sản trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn huyện; Ủy ban nhân dân các huyện yêu cầu Ủỷ ban nhân dân các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, phổ biến và chỉ đạo các khu, xóm, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn triển khai, tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Quản lý chặt chẽ việc khai thác cát sỏi trên sông theo đúng quy định của pháp luật; xử lý các vi phạm đối với việc nạo vét, tập kết cát sỏi lòng sông, suối không đúng quy định. Chủ động cập nhật và thông báo kịp thời cho các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản biết thông tin về mưa, lũ để có biện pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người, phương tiện, thiết bị và công trình. Nâng cao trách nhiệm, nhận thức của cấp ủy, chính quyền cấp xã trong việc ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân và trưởng các khu, xóm liên quan. Nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu.

UBND huyện yêu cầu các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trên địa bàn huyện thực hiện nghiêm việc khai thác theo đúng toạ độ, diện tích, độ sâu, trữ lượng, công suất quy định tại Giấy phép khai thác khoáng sản được cấp; đảm bảo khai thác đúng thiết kế cơ sở được thẩm định; thực hiện nghiêm quy định của Luật Khoáng sản, các quy định pháp luật liên quan; bảo vệ tài nguyên khoáng sản và thực hiện tốt, hiệu quả các biện pháp bảo vệ môi trường. Thực hiện đúng, đủ các phương pháp, quy trình kỹ thuật trong hoạt động khoáng sản; bảo đảm tuyệt đối an toàn kỹ thuật, an toàn công trình mỏ, an toàn vật liệu nổ; phải thường xuyên thực hiện đánh giá nguy cơ rủi ro mất an toàn lao động. Chủ động xây dựng kế hoạch ứng cứu khẩn cấp, các biện pháp phòng, chống các sự cố, các tình huống xấu có thể xảy ra, đặc biệt là nguy cơ sạt lở nằm trong phạm vi khu vực khai thác, chế biến khoáng sản; kịp thời di chuyển và thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện hoạt động trong khu vực nguy hiểm; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người lao động và các quy định khác về an toàn trong khai thác mỏ, nhất là trong mùa mưa bão…./.