Sở GTVT yêu cầu: Phong trào thi đua phải được phát động và triển khai sâu rộng, thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hưởng ứng, tham gia.
Nội dung, hình thức, phương thức, biện pháp phát động tổ chức thực hiện phong trào thi đua phải thực hiện thực chất, hiệu quả phù hợp với chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và điều kiện cụ thể của mỗi phòng, đơn vị thuộc Sở. Kết hợp chặt chẽ giữa thực hiện phong trào thi đua bảo đảm trật tự an toàn giao thông với các phong trào thi đua khác của ngành, đơn vị, địa phương phát động.
Nâng cao chất lượng công tác thi đua khen thưởng, phối hợp chặt chẽ kết quả thực hiện phong trào thi đua với khen thưởng. Khen thưởng phải dựa trên kết quả thành tích thi đua, bảo đảm kịp thời, chính xác, công khai, công bằng, nhằm động viên tinh thần cùng với khuyến khích bằng lợi ích vật chất, để tạo động lực cho tập thể, cá nhân phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; tăng tỷ lệ khen thưởng hợp lý đối với công chức, viên chức và người lao động trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Đối tượng thực hiện: Các phòng chuyên môn nghiệp vụ, các đơn vị trực thuộc Sở, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc Sở.
Phong trào thi đua được triển khai thực hiện đến hết ngày 31/12/2024.
Để thực hiện tốt chủ đề năm an toàn giao thông 2024 “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn” và phong trào thi đua đạt được mục đích, yêu cầu mà Kế hoạch đề ra, các phòng chuyên môn, nghiệp vụ, các đơn vị trực thuộc Sở theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thi đua thực hiện các nhiệm vụ chính trị, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, kế hoạch công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2024. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới; Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 05/4/2022 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới; các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ; các chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo từng thời điểm, trọng tâm là Kế hoạch số 06/KH-BATGT ngày 09/01/2024 về Bảo đảm An toàn giao thông năm 2024 với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”.
Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Tổ chức thực hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các quy định về tổ chức bộ máy, chế độ, chính sách đối với lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Quy hoạch, đầu tư, quản lý chặt chẽ các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm tính liên kết vùng miền, phù hợp với kết cấu hạ tầng giao thông và năng lực vận tải. Triển khai hiệu quả công tác bảo trì đường bộ, tiếp tục xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường thuỷ nội địa.
Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông tới mọi thành phần trong hoạt động giao thông vận tải, trong đó chú trọng vào tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho người thực thi công vụ; phổ biến quy định pháp luật và xây dựng văn hoá giao thông đối với chủ xe, lái xe kinh doanh vận tải, chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng và người điều khiển phương tiện cá nhân đặc biệt là đoàn viên, thanh niên, nhóm những người tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, xe đạp; đẩy mạnh công tác giáo dục, phổ biến quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên và đồng bào vùng sâu, vùng xa; xây dựng và triển khai thực hiện tuyên truyền vận động bảo vệ hành lang an toàn đường bộ và đường thuỷ nội địa.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông đô thị; phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp khuyến khích sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, kiểm soát chặt chẽ điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện cơ giới.
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Tập trung xử lý các vi phạm về hành lang an toàn đường bộ, đường thuỷ nội địa, vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, tải trọng phương tiện vận tải, an toàn kỹ thuật phương tiện, bảo đảm an toàn giao thông của kết cấu hạ tầng giao thông; các hành vi vi phạm của người tham gia giao thông có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông./.