Nhằm hướng đến nền hành chính minh bạch, hiệu quả, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, xây dựng chính quyền thân thiện, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; khắc phục những hạn chế, yếu kém trong quá trình giải quyết TTHC của các cơ quan, tổ chức, cá nhân hiện nay; BCĐ phong trào thi đua “Dân vận khéo” của tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện vì Nhân dân phục vụ” trên địa bàn tỉnh. Đã lựa chọn 03 đơn vị để làm điểm là: cấp tỉnh Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, cấp huyện: Bộ phận một cửa UBND huyện Kim Bôi, cấp xã: Bộ phận một cửa UBND phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình. Đến nay mô hình điểm cấp huyện đã được ra mắt và đi vào hoạt động; có 8/10 huyện, thành phố đã ra mắt mô hình tại địa phương. Riêng huyện Lạc Sơn, Tân Lạc đã triển khai đưa vào thực hiện mô hình từ năm 2022.
Phát biểu tại buổi ra mắt mô hình điểm “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ” cấp tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Lâm, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy đề nghị: Để mô hình “Chính quyền thân thiện vì Nhân dân phục vụ” được triển khai sâu rộng, hiệu quả trên địa bàn tỉnh, thời gian tới UBND tỉnh cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát đối với công tác dân vận nói chung, nội dung Dân vận chính quyền nói riêng, nhất là triển khai xây dựng, duy trì và nhân rộng mô hình “Chính quyền thân thiện vì Nhân dân phục vụ”. Việc triển khai mô hình “Chính quyền thân thiện vì Nhân dân phục vụ” cần phải gắn chặt với thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, chăm lo đời sống cho người dân địa phương; đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng nông thôn mới, lấy sự hài lòng của người dân là thước đo cho hiệu quả hoạt động, điều hành của chính quyền các cấp.
Cần quan tâm bố trí cán bộ lãnh đạo tiếp dân; công chức làm việc tại bộ phận một cửa phải là những người có năng lực, trình độ chuyên môn, có kinh nghiệp, kỹ năng giao tiếp, đạo đức công vụ tốt và linh hoạt trong giải quyết các tình huống khi giao dịch với Nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp. Cần tổ chức triển khai và hướng dẫn cán bộ, công chức ký cam kết thực hiện, làm theo khẩu hiệu “5 biết – 3 không – 4 thể hiện” (cụ thể: “5 biết”: biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết xin lỗi, biết cảm ơn; “3 không”: không phiền hà, sách nhiễu, không né tránh trách nhiệm, không trễ hẹn trong quá trình xử lý công việc; “4 thể hiện”; tôn trọng trong giao tiếp, văn minh, văn hóa, lịch sự trong giải quyết công việc; lắng nghe đầy đủ, hướng dẫn tận tình quy trình xử lý công việc; gần gũi, giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân). Tăng cường tổ chức tiếp dân và đối thoại với Nhân dân theo quy định; giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, các kiến nghị hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức; không để tồn đọng kéo dài, vượt cấp; thông báo kết quả giải quyết đơn thư, kiến nghị đến người dân, tổ chức theo quy định./.