DetailController

Hội đồng nhân dân Tỉnh

Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Nhà nước và tỷ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh

05/07/2022 00:00
Ngày 28/6/2022, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 130/2022/NQ-HĐND, quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước và tỷ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Theo đó, việc phân bổ nguồn vốn ngân sách trung ương phân bổ cho các cơ quan, địa phương cùng với nguồn vốn ngân sách địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng và phải tuân thủ theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Quản lý nợ công, Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững. Bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật, tạo quyền chủ động cho các cơ quan, địa phương; phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hỗ trợ các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới đã đạt chuẩn nhưng mức đạt chuẩn của một số chỉ tiêu còn chưa cao để nâng cao chất lượng các tiêu chí và bảo đảm bền vững. Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Bố trí vốn ngân sách trung ương cho các cơ quan, địa phương để thực hiện công tác quản lý chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai các nội dung thành phần của Chương trình, các nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tăng cường quản lý, sử dụng và lồng ghép các nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách, chương trình, đề án giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh để tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm sử dụng vốn tập trung, tiết kiệm, hiệu quả; giảm thiểu tình trạng đầu tư giàn trải, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, tránh thất thoát lãng phí và phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Căn cứ số xã đạt và chưa đạt tiêu chí nông thôn mới tính đến hết năm 2021 để làm cơ sở xác định tiêu chí, hệ số phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình, cụ thể: Xã đặc biệt khó khăn phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021 hệ số 4,0. Các xã đạt từ 15 tiêu chí trở lên hệ số 1,3. Các xã còn lại, không thuộc đối tượng ưu tiên nêu trên (bao gồm các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới để nâng cao chất lượng các tiêu chí và đạt chuẩn bền vững) hệ số 1,0.

Căn cứ số xã đạt và chưa đạt tiêu chí nông thôn mới tính đến hết năm 2021 (Trừ các xã đặc biệt khó khăn thuộc đối tượng đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030) để làm cơ sở xác định tiêu chí, hệ số phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình, cụ thể: Xã đạt dưới 15 tiêu chí, các xã an toàn khu chưa đạt chuẩn nông thôn mới hệ số 5,0. Xã đạt từ 15-18 tiêu chí hệ số 3,0. Xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới hệ số 1,0.

Tổng vốn đối ứng từ nguồn vốn ngân sách địa phương (ngân sách tỉnh, ngân sách cấp huyện) bố trí thực hiện Chương trình tối thiểu bằng tổng vốn ngân sách trung ương phân bổ để thực hiện Chương trình, trong đó: Ngân sách tỉnh bố trí tối thiểu 40% tổng vốn đối ứng ngân sách địa phương. Ngân sách cấp huyện bố trí tối thiểu 60% tổng vốn đối ứng ngân sách địa phương./.