Tham gia phát biểu thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình bày tỏ đồng tình cao với sự cần thiết phải ban hành Chương trình MTQG về văn hóa trong giai đoạn hiện nay nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tạo sự chuyển biến căn bản trong sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Theo đại biểu, qua TXCT và thực tiễn thời gian qua, để thực hiện các chỉ tiêu, nghị quyết nội dung liên quan đến Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra, việc đầu tư nguồn lực để phát triển cho văn hóa hiện nay còn khó khăn, nhỏ lẻ. Trong khi đó, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bảo DTTS cũng có chỉ tiêu này nhưng nguồn lực còn hạn chế. Do vậy, để bảo đảm điều kiện, nguồn lực thực hiện tốt nhất các chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp đề ra, nhiều tỉnh đã xác định văn hóa là một trong những ngành mũi nhọn và coi đây là mục tiêu cần quan tâm thực hiện trong thời gian tới.
Nhìn nhận vấn đề này, đại biểu cho rằng, thời gian qua, nguồn lực ngân sách Nhà nước để hỗ trợ cho phát triển văn hóa so với yêu cầu thực tế còn hạn chế, mới chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ, do vậy rất cần nguồn lực để phát triển. Đại biểu cho rằng, từ mục tiêu tổng quát đến mục tiêu cụ thể của Chương trình cần bổ sung thêm vì hiện nay việc thực hiện thiết chế văn hóa ở cơ sở cấp huyện, cấp xã còn rất khó khăn, nhất là nhà văn hóa ở cấp xã còn khó khăn rất lớn, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân. Đây là vấn đề cử tri rất quan tâm, do vậy cần đưa vào mục tiêu cụ thể để giải quyết căn cơ nội dung này, nhất là trong giai đoạn đang thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Trong khi đó, thời gian qua, kinh phí để xây dựng nhà văn hóa còn rất ít, chưa bao quát hết được, đại biểu mong rằng, khi Chương trình MTQG về văn hóa đồng hành thì sẽ giải quyết căn cơ những khó khăn này. Đại biểu cũng nhấn mạnh, nên bổ sung thêm vào mục tiêu đó là “phát huy vai trò, sự tham gia của người dân, cộng đồng dân cư trong phát triển mục tiêu quốc gia về văn hóa”. Bởi, đây là nguồn lực rất to lớn, nếu phát huy tốt được các nguồn lực từ người dân trong việc đồng hành chung tay cùng cả nước thực hiện Chương trình MTQG về văn hóa sẽ góp phần tạo nên sự thành công và giải quyết được những khó khăn trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện./.
Làm rõ các căn cứ xác định kinh phí công đoàn là 2%
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), ĐBQH Đặng Bích Ngọc cho biết, qua trực tiếp khảo sát tại địa phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình nhận thấy, so với thực tiễn hiện nay thì Luật Công đoàn 2012 đã bộc lộ một số bất cập. Tuy nhiên, dự thảo Luật sửa đổi lần này đã có nhiều nội dung được đưa vào quy định để giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong tổ chức thực hiện thời gian vừa qua.
Về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp gia nhập Công đoàn Việt Nam (Điều 5, Điều 6), đại biểu thống nhất lựa chọn phương án 1: Bổ sung quyền gia nhập và hoạt động trong tổ chức Công đoàn Việt Nam của người lao động là người nước ngoài làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động trên lãnh thổ Việt Nam. Đại biểu cho rằng, vấn đề quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của lao động là người nước ngoài đã được Quốc hội Khóa XIII thảo luận khi sửa đổi Luật Công đoàn vào năm 2012, nhưng chưa được thông qua. Lần sửa đổi này, vấn đề này tiếp tục được đặt ra.
Theo đại biểu, nội dung này phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị, Ban soạn thảo đánh giá thêm một số nội dung như sau: (1)Về tính khả thi của giải pháp được đưa ra trong dự thảo luật; (2) thực tiễn nhu cầu gia nhập, hoạt động công đoàn của người lao động là người nước ngoài tại Việt Nam; (3) việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc gia nhập và hoạt động công đoàn của người nước ngoài, giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập về rào cản ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo, chính trị... nhằm chuyển tải đúng, đầy đủ yêu cầu của họ đến cơ quan có thẩm quyền khi tổ chức công đoàn bảo vệ quyền, lợi ích cho họ.
Đại biểu cũng đồng tình với việc duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn 2% (điểm b khoản 1 Điều 29). Bởi, việc duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn 2% là rất quan trọng nhằm bảo đảm tài chính để duy trì, tổ chức hoạt động của công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình, đặc biệt là thúc đẩy doanh nghiệp, người sử dụng lao động có trách nhiệm hơn đối với người lao động của mình thông qua Công đoàn. Tuy nhiên, với việc hình thành tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 thì nội hàm của “kinh phí công đoàn” sẽ thay đổi so với trước đây; theo đó, trong tình hình mới, “kinh phí công đoàn” còn phải được phân bổ cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sử dụng. Do vậy, đề nghị làm rõ các căn cứ xác định kinh phí công đoàn là 2%.
Bên cạnh đó, ngoài việc duy trì quy định miễn, giảm kinh phí công đoàn tại khoản 2 Điều 29, đã bổ sung quy định “tạm dừng đóng” kinh phí công đoàn. Theo đại biểu, đối với trường hợp doanh nghiệp đã không có khả năng đóng kinh phí công đoàn thì chỉ có thể xem xét miễn mới khả thi.
Về phân phối kinh phí công đoàn cho các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, dự thảo Luật đã bổ sung quy định phân phối kinh phí công đoàn cho các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khoản 2, Điều 30 theo 2 phương án. Đại biểu nhất trí với phương án 1 và sẽ giao Chính phủ phân phối kinh phí công đoàn cho các tổ chức đại diện cho người lao động tại cơ sở.