DetailController

Thời sự trong ngày

Quan tâm thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh

17/07/2023 16:04
Được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh, sự phối hợp và tạo điều kiện của các Sở, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp, - sự chủ động tích cực tham mưu chỉ đạo, điều hành kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, 6 tháng đầu năm 2023 ngành Dân tộc đã kịp thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác dân tộc; chủ động xây dựng kế hoạch, đề xuất phương án và thực hiện các nhiệm vụ được giao nhằm góp phần ổn định phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.
Từ nguồn vốn Chương trình giảm nghèo, huyện Đà Bắc đã triển khai mô hình nuôi dê cho các hộ dân nghèo trên địa bàn xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh hiện có 145/151 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó có: 59 xã khu vực III, 12 xã khu vực II, 74 xã khu vực I và 86 thôn, xóm đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực II và khu vực I. Nhờ hiệu quả nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của các Chương trình, dự án, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là các Chương trình mục tiêu quốc gia, đến hết năm 2022 có 08 xã (xã Hữu Lợi, xã Bảo Hiệu, xã Lạc Lương huyện Yên Thủy; xã Quyết Chiến, xã Gia Mô, xã Lỗ Sơn huyện Tân Lạc; xã Hợp Phong huyện Cao Phong và xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc) đã thoát khỏi diện xã đặc biệt khó khăn và được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh đã đôn đốc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ tổ chức triển khai và giải ngân nguồn vốn thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh kế hoạch năm 2022. Hoàn thành việc phân bổ nguồn vốn ngân sách Trung ương 813.580 triệu đồng để triển khai thực hiện đồng bộ các dự án, tiểu dự án được trung ương phân bổ vốn. Dự kiến đến hết năm 2023, theo kế hoạch tiếp tục phấn đấu có 07 xã thoát khỏi diện xã đặc biệt khó khăn (xã Nà Phòn, huyện Mai Châu; xã Thung Nai, xã Thạch Yên, huyện Cao Phong; xã Vĩnh Tiến, huyện Kim Bôi; xã Văn Nghĩa, huyện Lạc Sơn; xã Đa Phúc, huyện Yên Thuỷ; xã Nhân Mỹ, huyện Tân Lạc; xã Độc Lập, Thành phố Hoà Bình) sẽ đạt 19/19 tiêu chí và được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Dự kiến nâng tổng số xã đặc biệt khó khăn đạt nông thôn mới từ 2021-2023 là 15 xã, phấn đấu từng bước chỉ tiêu Thủ tướng Chính Phủ giao tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025 có 33 xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn đạt nông thôn mới.

Bên cạnh đó, thường xuyên phối hợp với các cấp, các ngành và các địa phương kịp thời nắm bắt thông tin, tình hình đời sống, kinh tế - xã hội trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh; nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân. Nhân dịp Tết truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; Tết Nguyên Đán năm 2023, tổ chức các Đoàn thăm hỏi, động viên, tặng quà, chúc Tết đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, người có uy tín, người có công với cách mạng,...trên địa bàn tỉnh. Công tác giúp đỡ xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn được quan tâm, Theo đó trong 6 tháng đầu năm đã huy động được nhiều nguồn lực, đảm bảo hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò của các Sở, ngành trong công tác giúp đỡ xã, thôn, bản. Kết quả số liệu tổng hợp thực hiện công tác giúp đỡ xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn của các cơ quan, đơn vị được phân công ước tính giá trị kinh tế và vật chất quy đổi thành tiền đạt trên 5 tỷ đồng.

Công tác tuyên truyền trong lĩnh vực dân tộc được đẩy mạnh nhằm tăng cường thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, các tổ chức chính trị - xã hội và đồng bào dân tộc thiểu số về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc; phát huy vai trò, chủ động, tích cực trong việc triển khai, giám sát và thực hiện các chính sách ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác dân tộc; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước. Vận động đồng bào các dân tộc xây dựng xã hội lành mạnh, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, nhằm ổn định chính trị, tạo sự đồng thuận xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi; tuyên truyền các mô hình, gương điển hình tiên tiến, phong trào thi đua yêu nước trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hưởng ứng các hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, của ngành.

Tuy nhiên hiện nay kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn chậm phát triển; đời sống người dân còn nhiều khó khăn, chưa thực sự đảm bảo, thiếu tính bền vững; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn vẫn cao so với khu vực khác. Công tác phối hợp tuyên truyền về thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc của một số ngành, địa phương chưa được quan tâm; hệ thống chính trị cơ sở một số nơi hoạt động hiệu quả chưa cao; một số ít cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ công tác trong tình hình mới, chưa nhận thức sâu sắc về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc; nhận thức của một bộ phận người dân chưa sâu sắc, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Hệ thống cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh còn khó khăn; tập quán sản xuất còn nhiều lạc hậu. Công tác tổ chức triển khai thực hiện một số nội dung và giải ngân nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn chậm. Hiện nay vẫn còn một số nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa được các Bộ, ngành Trung ương ban hành để thực hiện, hướng dẫn cụ thể, có hướng dẫn nhưng chưa rõ ràng hoặc chưa có sự thống nhất giữa các văn bản hướng dẫn…

Từ nay đến hết năm 2023, để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc và các chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh, cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc từ cấp tỉnh đến cơ sở; tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác dân tộc, đoàn kết dân tộc cho cán bộ, đảng viên các cấp, các ngành. Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tham mưu thực hiện nhiệm vụ được giao, đảm bảo kịp thời, đề xuất cơ chế quản lý, điều hành triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh.

Tiếp tục tăng cường công tác phối hợp nắm địa bàn, trọng tâm là việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Tạo sự đồng thuận giữa các cấp, các ngành trong việc triển khai nhiệm vụ chính trị, nhất là phối hợp thực hiện đồng bộ 03 Chương trình mục tiêu trên địa bàn. Thường xuyên phối hợp với các cấp, các ngành và các địa phương kịp thời nắm bắt thông tin, tình hình đời sống, kinh tế - xã hội trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh; nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, không để xảy ra những tình huống đột xuất, bất ngờ.

Tiếp tục bám sát Nghị quyết, Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh; hướng dẫn, chỉ đạo của Ủy ban Dân tộc để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện tốt quản lý nhà nước về công tác dân tộc, các chương trình, dự án, chính sách trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra, giám sát, đẩy nhanh tiến độ tổ chức triển khai thực hiện, giải ngân nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, kế hoạch năm 2022 được phép kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2023 và kế hoạch năm 2023.

Triển khai làm tốt công tác xây dựng kế hoạch, dự toán ngân sách nhà nước của Chương trình theo hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc sát với điều kiện đặc thù của từng địa bàn, đối tượng thụ hưởng, ưu tiên nguồn lực cho các xã phấn đấu thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, xã còn gặp nhiều khăn. Thực hiện đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giữa kỳ, dự báo kết quả thực hiện các mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể của từng dự án để phối hợp đề xuất điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 của Chương trình phù hợp điều kiện thực trạng kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, đáp ứng khả năng cân đối nguồn lực của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động khác.

Tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc thực hiện các chương trình, dự án, chính sách trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục thực hiện công tác tiếp công dân theo đúng quy định, giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật; rà soát, tổ chức triển khai thực hiện các cuộc thanh tra theo kế hoạch đã được phê duyệt. Tiếp tục thực hiện tốt các phong trào thi đua, công tác khen thưởng để kịp thời động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Dân tộc, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tham mưu thực hiện nhiệm vụ được giao…./.