Là ngành có số lao động nữ đông, chiếm tỷ lệ cao nhất trong khối hành chính, sự nghiệp của tỉnh với 12.934 nữ CBCC-NLĐ (=75% CB toàn ngành), trong đó nữ cán bộ là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ gần 40%. Số cán bộ nữ trực tiếp là giáo viên giảng dạy chiếm tỷ lệ > 80% trong tổng số giáo viên, giảng viên toàn ngành.
Với đặc điểm đó, ngành GD-ĐT Hòa Bình đã thường xuyên chăm lo, quan tâm đến đời sống và thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với CB nữ giáo viên, nhất là những người công tác ở các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng lòng hồ sông Đà, vùng đồng bào dân tộc... Quyền bình đẳng giới của phụ nữ trong lĩnh vực lao động, việc làm được nâng cao, địa vị kinh tế và đời sống không ngừng được cải thiện. Trong 5 năm (2007-2011), ngành GD-ĐT đã tổ chức được 146 cuộc tuyên truyền về giới, về chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho gần 7.000 lượt nữ cán bộ, giáo viên, công nhân viên và 151 buổi tuyên truyền về Pháp lệnh Dân số và KHHGĐ cho trên 5.000 lượt người.
Cùng với đó, ngành cũng quan tâm bồi dưỡng chuẩn hóa, vượt chuẩn, đào tạo và đào tạo lại cho đội ngũ nữ giáo viên đáp ứng yêu cầu, mục tiêu, kế hoạch giáo dục-đào tạoo trong tình hình mới. Do đó, trình độ chuyên môn của nữ giáo viên ngày càng được nâng cao. Toàn ngành GD-ĐT có 76/175 nữ giáo viên có trình độ Thạc sỹ các chuyên ngành khoa học tự nhiên, xã hội; 1 nữ giáo viên được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú; 15 nữ giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp Quốc gia và hàng trăm nữ giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.
Đối với cán bộ quản lý là nữ, ngành GD-ĐT cũng quan tâm tới công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng và có chính sách phát triển đội ngũ cán bộ nữ trong từng thời kỳ. Hiện ngành GD-ĐT có 953 cán bộ quản lý là nữ, tập trung chủ yếu ở các cấp học, bậc học mầm non, tiểu học, trung học. Thông qua các phong trào "Phụ nữ giỏi việc trường, đảm việc nhà", xây dựng "Gia đình nhà giáo văn hóa", các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ, giáo viên nữ đã được tạo điều kiện thuận lợi nâng cao hơn về trình độ quản lý, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có kinh nghiệm quản lý và có sức khỏe đảm đương các trọng trách được giao.
Để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng và trình độ cán bộ nữ, ngành GD-ĐT đã xác định các chỉ tiêu chủ yếu như: Phấn đấu đến hết năm 2015 có 30% cán bộ nữ có đời sống kinh tế giổi, không còn hộ gia đình nhà giáo trong diện nghèo; giảm tỷ lệ giáo viên mầm non chưa qua đào tạo xuống < 17%; phấn đấu tỷ lệ giáo viên mầm non đạt chuẩn đạt 75% (trên chuẩn 10%), giáo viên tiểu học đạt chuẩn 99% (trên chuẩn 30%), giáo viên THCS đạt chuẩn 99% (trên chuẩn 30%) và giáo viên THPT đạt chuẩn 100% (trên chuẩn 5%); thực hiện tốt các phong trào thi đua để tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ nữ phát huy tốt nhất khả năng, kinh nghiệm và trình độ của mình để đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển GD-ĐT của tỉnh nhà.