Đồng chí Nguyễn Đức Lương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định: Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 38 ngày 29/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiếu số, ngành đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông và Trung tâm GDTX tổ chức dạy học, kiểm tra và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số. Trong năm học 2016 – 2017, Sở GD&ĐT đã tổ chức dạy học, kiểm tra cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mông và dân tộc Thái cho 213 cán bộ, công chức, giáo viên trên địa bàn tỉnh. Qua đó giúp cán bộ, giáo viên thuận lợi, chủ động hơn khi công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, ngày 8/9/2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2295/QĐ-UBND về việc phê chuẩn bộ chữ dân tộc Mường tỉnh Hoà Bình. Theo đó, bộ chữ dân tộc Mường gồm 28 chữ cái, 24 phụ âm đầu, 1 âm đệm. Để chữ Mường đi vào cuộc sống, ngày 27/10/2016, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 118 triển khai ứng dụng bộ chữ Mường tại tỉnh Hoà Bình. Một trong những điểm nổi bật của kế hoạch là biên soạn sách học tiếng Mường được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức dạy học tiếng Mường trong mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Căn cứ kế hoạch của tỉnh, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo cán bộ, giáo viên các đơn vị, trường học tăng cường tự học, tự bồi dưỡng tiếng dân tộc. Các đơn vị, trường học gắn nội dung tự học, bồi dưỡng tiếng dân tộc với bồi dưỡng thường xuyên của cán bộ, giáo viên. Toàn thể cán bộ, giáo viên đã xây dựng kế hoạch tự học, tự bồi dưỡng tiếng dân tộc để phục vụ công tác giảng dạy và giao tiếp với phụ huynh học sinh.
Song song với dạy tiếng dân tộc, ngành GD&ĐT đã quan tâm đến dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Ngành tiếp tục đẩy mạnh triển khai nội dung chuẩn bị tiếng Việt và tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số (mầm non, tiểu học) phù hợp với địa phương. Ngày 10/3/2017, Sở GD&ĐT ban hành Công văn số 573 về việc "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục mầm non”. Đối với lớp 1 dân tộc thiểu số, tăng cường tiếng Việt cho học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Ngành đã thực hiện tốt việc dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số theo hướng điều chỉnh tăng thời lượng học tiếng Việt bằng cách học 2 buổi/ngày hoặc học thêm buổi trên tuần. 100% nhà trường tổ chức chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ trước khi vào lớp 1 (thời gian bồi dưỡng trong hè). Ngoài ra, các trường đã tổ chức dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh từ 1 -2 buổi trong tuần góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại trà nói chung và chất lượng giáo dục dân tộc nói riêng.
Đặc biệt, Sở chỉ đạo các đơn vị trường học, nhất là các trường thuộc 2 xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu (xã có 100% dân số là người Mông) tăng cường thời lượng dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc theo hướng tích hợp vào các môn học, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Nhà trường, giáo viên thường xuyên phối hợp với cộng đồng, phụ huynh tạo môi trường giao tiếp tiếng Việt cho học sinh dân tộc. Qua đó thiết thực nâng cao chất lượng giáo dục, dân trí vùng đồng bào dân tộc thiểu số.