DetailController

Quốc phòng - An ninh

Quản lý và đảm bảo an ninh, trật tự liên quan đến tín chỉ các - bon

15/07/2024 15:14
Ngày 12/7, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Công văn số 1114/UBND-NVK gửi các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố về việc quản lý và đảm bảo an ninh, trật tự liên quan đến tín chỉ các - bon.

Thời gian qua, hưởng ứng Chương trình vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài của tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài đã thông qua một số cơ quan, tổ chức bộ, ngành Trung ương và địa phương viện trợ triển khai thực hiện các chương trình, dự án, phi dự án trên hầu hết các huyện, thành phố địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Về cơ bản, các cơ quan tổ chức trong và ngoài nước đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý viện trợ và hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài; các chương trình, dự án thực hiện trên các lĩnh vực đã có những tác động đáng kể trong việc thay đổi nhận thức, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ; cải thiện điều kiện vật chất, trang thiết bị giáo dục, y tế; đổi mới tư duy, kỹ năng sản xuất, kinh doanh, gia tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho một số bộ phận người dân thuộc nhóm yếu thế tại các vùng dự án; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo của địa phương.

Tuy nhiên, qua công tác quản lý, giám sát vẫn còn một số cơ quan đơn vị chưa chấp hành nghiêm túc quy định của chính phủ, của Ủy ban nhân dân tỉnh. Tình trạng một số cơ quan, tổ chức trực tiếp ký kết “Thỏa thuận hợp tác” để tiếp nhận các chương trình dự án của cơ quan, tổ chức nước ngoài vẫn còn xảy ra. Đã xuất hiện dấu hiệu đối tác nước ngoài lợi dụng viện trợ chương trình, dự án trên lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu để đưa ra yêu cầu sở hữu lợi nhuận phát sinh từ dự án do phía nước ngoài viện trợ (sở hữu tín chỉ các - bon được tạo ra từ diện tích trồng rừng gỗ lớn). Đây là đòi hỏi trái quy định pháp luật Việt Nam, không phù hợp với mục đích hoạt động nhân đạo và tiềm ẩn nguy cơ thiệt hại về kinh tế, phức tạp về an ninh trật tự nếu không kịp thời có biện pháp phòng ngừa, quản lý. Về nguyên nhân, đây là vấn đề mới, các cơ quan, tổ chức địa phương chưa kịp thời cập nhật thông tin liên quan, thiếu kinh nghiệm trong hợp tác quốc tế nên đã tiến hành ký kết “Thỏa thuận hợp tác viện trợ” trái quy định, để phía nước ngoài lồng ghép nội dung không phù hợp.

Về nguồn gốc “tín chỉ các - bon” được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu, được thông qua vào năm 1997; là công cụ đo lường và giảm lượng khí nhà kính gây ra từ các hoạt động của con người; cho phép các quốc gia còn dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Mục tiêu chính của việc tạo ra tín chỉ các - bon là giảm lượng khí thải Carbon dioxide và các loại khí nhà kính khác từ các hoạt động công nghiệp, nhằm giảm tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Tại Việt Nam, các quy định của pháp luật về tín chỉ các - bon còn thiếu hoặc chưa đồng bộ. Tại khoản 35 Điều 3 Luật bảo vệ môi trường năm 2020, “tín chỉ các - bon” được xác định là chứng nhận để giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí Carbon dioxide (CO2) hoặc một tấn khí Carbon dioxide (CO2) tương đương vào bầu khí quyển. Theo đó, tín chỉ các - bon là giấy phép hoặc chứng chỉ (hàng hóa) có thể mua bán, cung cấp cho chủ sở hữu quyền phát thải một tấn khí Carbon dioxide (CO2) hoặc một tấn khí nhà kính tương đương.

Thực hiện cam kết quốc tế đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 (NDC), ngày 07/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô - dôn, quy định về lộ trình phát triển, triển khai thị trường các - bon trong nước. Tuy nhiên, trong thời gian qua có nhiều thông tin, dư luận xã hội chưa thực sự đầy đủ, toàn diện, chính xác về thị trường các - bon và các cơ chế quản lý tín chỉ các - bon, đặc biệt là hoạt động tạo tín chỉ, quản lý tín chỉ các - bon từ rừng và một số lĩnh vực khác. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp và người dân chưa hiểu đúng đắn về thị trường các - bon và phương thức tạo tín chỉ các - bon để có thể giao dịch trên thị trường. Đây là những hạn chế mà cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài không thiện chí; các tổ chức tội phạm nước ngoài có thể lợi dụng khi viện trợ nhân đạo, đầu tư trên lĩnh vực năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam nhằm gây thiệt hại về kinh tế, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia.

Để chủ động các biện pháp quản lý, bảo đảm an ninh trật tự liên quan đến tín chỉ các - bon, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai, thực hiện tốt một số nhiệm vụ công tác sau:

Tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13/CT-TTg, ngày 02/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường công tác quản lý tín chỉ các - bon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC); Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, ngày 07/01/2022 của Chính phủ về việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô - dôn; Nghị định số 107/2022/NĐ-CP, ngày 28/12/2022 về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ, nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về lợi ích tiềm năng, những nguy cơ phức tạp về an ninh, trật tự liên quan vấn đề tín chỉ các-bon. Từ đó, nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa khi hợp tác, làm việc với các đối tác, tránh sơ hở gây bất lợi về kinh tế hoặc tác động tiêu cực đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn. 

Chấp hành nghiêm Nghị định số 80/2020/NĐ-CP, ngày 08/7/2020 của Chính phủ; Quyết định số 01/2023/QĐ-UBND, ngày 05/1/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Không ký kết thỏa thuận hợp tác, bản cam kết, bản ghi nhớ với phía nước ngoài để tiếp nhận các khoản viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài. Chỉ sử dụng hồ sơ, tài liệu được quy định tại Điều 8 Nghị định số 80/2020/NĐ-CP, ngày 08/7/2020 của Chính phủ, nhất là Văn kiện chương trình, dự án, phi dự án để thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện chương trình, dự án viện trợ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo khẩn trương triển khai, thực hiện các nội dung nhiệm vụ tại Chỉ thị số 13/CT-TTg, ngày 02/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là nội dung thứ 7 đối với Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương.     

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định, tham mưu phê duyệt, quản lý hiệu quả các chương trình, dự án do các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài viện trợ, đầu tư trên lĩnh vực năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện công tác kiểm tra, giám sát đồng thời kiến nghị đề xuất hình thức xử lý đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức vi phạm quy định của Chính phủ, Ủy ban nhân tỉnh về quản lý viện trợ, hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài; hướng dẫn cơ quan tổ chức địa phương làm việc, thống nhất với đối tác nước ngoài hủy bỏ thỏa thuận ký kết trái quy định liên quan tín chỉ các - bon.   

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan của tỉnh xây dựng các chương trình truyền thông về thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia, đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), phương thức tạo tín chỉ các - bon, tham gia thị trường các - bon tự nguyện, tổ chức và phát triển thị trường các - bon tuân thủ. Khuyến cáo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân về những rủi ro khi tham gia hoạt động giao dịch tín chỉ các - bon tự phát.

Công an tỉnh tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong quản lý và sử dụng các khoản viện trợ nước ngoài; tham mưu, hướng dẫn, thẩm định và hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn thực hiện đúng quy định pháp luật Việt Nam về bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội khi hợp tác, tiếp nhận và sử dụng các khoản viện trợ, đầu tư nước ngoài.

Yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc phản hồi về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Công an tỉnh) để tổng hợp, xem xét giải quyết theo quy định./.