Theo thống kê, toàn tỉnh hiện nay có 219 trường Tiểu học, 201 trường Trung học cơ sở, 38 trường phổ thông trung học, 09 trường dân tộc nội trú, 05 trường Cao đẳng và 03 trường trung cấp nghề với gần 186 nghìn học sinh, sinh viên và trên 20 nghìn cán bộ giáo viên. Trong những năm qua, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, chất lượng công tác giáo dục của tỉnh luôn được cải thiện, phát triển. Tuy nhiên, trong một mức độ nào đó, tình hình vi phạm pháp luật trong các nhà trường với các đối tượng là giáo viên, HSSV có nơi, có lúc vẫn còn nổi cộm. Theo Thượng tá Nguyễn Hữu Khải, quyền Trưởng phòng Bảo vệ An ninh nội bộ văn hóa và tư tưởng (PA83) - Công an tỉnh thì: trong 10 năm qua (2001 - 2011), toàn tỉnh có 49 trường hợp là cán bộ giáo viên, HSSV bị bắt giữ, xử lý vì có liên quan đến ma túy. Trong đó có 09 giáo viên, 01 bảo vệ và 39 HSSV. Lực lượng chức năng đã khởi tố 03 bị can về tội buôn bán chất ma túy, số còn lại bị xử lý hành chính theo quy chế của nhà trường và ngành giáo dục. Hầu hết các đối tượng sử dụng ma túy là học sinh ở các trường địa bàn vùng sâu, vùng xa như Mai Châu, Đà Bắc, Yên Thủy, Lạc Sơn và một số ở thành phố Hòa Bình.
Đa số các trường hợp mắc nghiện hoặc liên quan đến ma túy chủ yếu là số HSSV đua đòi, hư hỏng, có học lực kém và thường xuyên có mối quan hệ với các phần tử xấu ngoài xã hội. Nên đã bị lôi kéo vào những cám dỗ của xã hội, chạy theo những sinh hoạt không lành mạnh. Bên cạnh đó, công tác phối hợp quản lý HSSV giữa gia đình, nhà trường và xã hội vẫn chưa duy trì được thường xuyên. Do vậy, đã dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật trong HSSV trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.
Để ngăn chặn kịp thời không để lây lan, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh thì rất cần có sự chung tay, chung sức trong việc quản lý, giáo dục HSSV. Trong đó phải xây dựng và phát huy tích cực vai trò và mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong quản lý, giáo dục các HSSV ngay tại gia đình, trong nhà trường và ngoài xã hội. Đồng thời, phải xây dựng, đẩy mạnh thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ ngay trong trường học và cộng đồng dân cư xung quanh trường học, tạo thành “vành đai an toàn” phòng ngừa sự xâm nhập của ma túy vào trường học từ ngoài xã hội. Bên cạnh đó, việc tăng cường công tác giáo dục, lồng ghép các bài giảng, xây dựng các tiểu phẩm tuyên truyền về tác hại cũng như công tác phòng chống ma túy trong nhà trường cũng được coi là một trong những biện pháp tích cực. Qua đó, nhằm tuyên truyền phổ biến hậu quả, tác hại của ma túy và nhất là vấn nạn ma túy trong học đường. Nâng cao nhận thức giúp các em biết cách phòng ngừa. Nhằm xây dựng môi trường giáo dục ngày càng trong sạch, lành mạnh. Đặc biệt, tại các trường Cao Đẳng, Trung học chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh hàng năm đều phối hợp với các phòng chức năng Công an tỉnh, Công an các huyện, thành phố đến tuyên truyền, phổ biến kiến cho HSSV những kiến thức pháp luật về TTATGT, Luật cư trú, Luật phòng chống ma túy. Đồng thời tổ chức cho HSSV ký cam kết không vi phạm pháp luật, không mắc TNXH. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng Công an thành phố đã tổ chức các buổi tuyên truyền về tác hại của ma túy, Luật phòng chống ma túy và ký cam kết không vi phạm cho gần 3 nghìn lượt HSSV các trường Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và THPT trên địa bàn. Để chủ động ngăn chặn, phòng chống ma túy và TNXH xâm nhập, trong những năm qua, các trường Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động xây dựng các mô hình tự quản về ANTT, trong đó, giao cho lực lượng ĐVTN xung kích kiểm tra định kỳ việc chấp hành nội quy, quy chế nhà trường, nội quy khu ký túc xá... Góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tai, TNXH trong nhà trường, từng bước xây dựng môi trường giáo dục trong sạch, lành mạnh.
Có thể nói, do làm tốt công tác phòng ngừa nên từ năm 2008 đến nay, tình hình vi phạm lỷ luật, vi phạm pháp luật trong HSSV ở các trường học và cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể. Số HSSV có biểu hiện nghiện ma túy hoặc liên quan đến tội phạm ma túy cơ bản đều bị phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, không để lây lan làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của nhà trường.