DetailController

Quốc phòng - An ninh

Phối hợp tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp khi khai thác đá trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

12/04/2024 16:28
Ngày 11/4/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành Công văn số 1371/STNMT về phối hợp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp khi khai thác đá trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Thời gian qua, một số mỏ nổ mìn khai thác đá đã gây ra rung chấn, lăn đá xuống đất của một số hộ dân gần mỏ làm hư hỏng tài sản của người dân. Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh nói chung; đặc biệt là công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị hoạt động vật liệu nổ công nghiệp khi khai thác đá trên địa bàn, tránh gây thiệt hại về tài sản của người dân, cũng như đảm bảo an toàn về người và công trình xung quanh khu vực hoạt động khoáng sản. Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố các đơn vị hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hòa Bình phối hợp triển khai, thực hiện các nội dung sau:

Đề nghị các Sở, ban, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Văn bản số 304/UBND-KTN ngày 10/3/2023 về việc tăng cường công tác mỏ, tài nguyên và khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Đề nghị Sở Xây dựng, Sở Công thương phối hợp tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản của các đơn vị theo đúng thiết kế cơ sở, Giấy phép khai thác và Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp được cấp có thẩm quyền thẩm định, cấp phép; thực hiện cấp phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để khai thác khoáng sản đảm bảo an toàn cho người và công trình xung quanh, phù hợp với công suất thiết kế khai thác và các điều kiện khác theo đúng quy định; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (dừng, thu hồi giấy phép, không cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp) theo quy định.

Đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Phối hợp chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan chuyên môn của huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã thường xuyên kiểm tra, giám sát các đơn vị hoạt động khoáng sản, đặc biệt là việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn và thực hiện các quy định của pháp luật; phản ánh kịp thời những tồn tại, vướng mắc để Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Sở, ngành kiểm tra, xử lý hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật. Phối hợp tăng cường kiểm tra, giám sát việc xây dựng nhà ở, công trình của người dân nằm trong phạm vi bán kính vùng nguy hiểm khi nổ mìn, tránh tình trạng xây dựng trái phép; khi phát hiện nhà ở, công trình xây dựng phải thông báo kịp thời cho đơn vị thực hiện nổ mìn để thống nhất các biện pháp xử lý cũng như đảm bảo an toàn trong hoạt động thi công khoan nổ mìn. Kịp thời nắm bắt tình hình, nguyện vọng của người dân tại địa phương để kịp thời có phương án, giải quyết; tránh tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp.

Yêu cầu các đơn vị hoạt động khoáng sản: Chấp hành nghiêm việc hoạt động khai thác khoáng sản theo Giấy phép khai thác khoáng sản do Ủy ban nhân dân tỉnh cấp; thiết kế cơ sở và Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp được cấp có thẩm quyền thẩm định, cấp phép. Đối với việc hoạt động khai thác, đặc biệt là việc nổ mìn theo Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp do cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Quá trình thi công nổ mìn phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người, công trình và nhà dân trong khu vực; thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, hồ sơ thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt, phương án nổ mìn, các quy định cụ thể tại Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và trong phạm vi, diện tích quy định tại Giấy phép khai thác khoáng sản và phạm vi công trình xây dựng. Kiểm tra, xử lý đá treo tại các khu vực có nguy cơ sạt lở; kiểm soát các khu vực khai thác, các công trình phụ trợ và các khu vực khác có liên quan; bảo vệ tài nguyên khoáng sản, bảo đảm an toàn, trật tự mỏ theo quy định của pháp luật. Trường hợp có dấu hiệu mất an toàn, phải dừng ngay hoạt động khai thác để khắc phục và có báo cáo cho cơ quan chức năng để giám sát việc thực hiện theo quy định. Thường xuyên rà soát việc xây dựng nhà ở, công trình nằm trong phạm vi bán kính vùng nguy hiểm khi nổ mìn, khi phát hiện nhà ở, công trình xây dựng phải kịp thời phối hợp với chính quyền địa phương và chủ đầu tư xây dựng nhà ở, công trình để thống nhất các biện pháp xử lý cũng như đảm bảo an toàn trong hoạt động thi công khoan nổ mìn./.