DetailController

Thời sự trong ngày

Phát triển thương mại, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

20/04/2023 17:00
Trong 3 năm qua (2021 - 2023), mặc dù chịu tác động, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và tình hình khó khăn chung của kinh tế thế giới cũng như trong nước, nhưng thương mại nội tỉnh luôn giữ vũng được đà tăng trưởng ổn định. Tốc độ tăng của tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ xã hội trong giai đoạn 2021-2023 dự kiến đạt 17,96% .
Hệ thống hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh và chuyển dịch mạnh mẽ từ hệ thống thương mại truyền thống (chợ) sang hệ thống hạ tầng hiện đại

Thời gian qua, hệ thống hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh góp phần phát triển thị trường đa dạng, các phương thức, mô hình kinh doanh trên thị trường được đổi mới, phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội và hội nhập, mở cửa. Từng bước tạo kênh phân phối thông suốt theo hướng văn minh hiện đại, bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường.... phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân. Hiện trên địa bàn tỉnh có 07 siêu thị , 03 trung tâm thương mại đồng thời phát triển hệ thống cửa hàng chuyên doanh. Hệ thống chợ truyền thống tỉnh Hòa Bình được quy hoạch lại, từng bước được nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới, nhất là các chợ nông thôn. Hệ thống hạ tầng thương mại phát triển nhanh với việc chuyển dịch mạnh mẽ từ hệ thống thương mại truyền thống (chợ) sang hệ thống hạ tầng hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi...). Các thương hiệu bán lẻ lớn trong nước cũng đã có mặt tại thị trường Hòa Bình như: VinGroup, siêu thị Điện máy xanh, hệ thống bán lẻ kỹ thuật số FPT Shop, Điện máy Media Mart... Tỷ lệ hàng Việt Nam trong các hệ thống phân phối bán lẻ và tại các chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên, trong đó, nhóm mặt hàng Việt Nam có tỷ lệ cao là những hàng hóa: nông sản, lương thực, thực phẩm (tươi sống). Hiện nay có 95 chợ, trong đó: 01 chợ đạt tiêu chuẩn hạng I; 10 chợ hạng II; 84 chợ hạng III. Một số nhà đầu tư quan tâm đàu tư mới và cải tạo, nâng cấp các chợ hiện tại theo hình thức xã hội hóa. Đến nay đã thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý là 30 chợ (10 doanh nghiệp, 20 HTX) chiếm 31,57% tổng số chợ trên địa bàn. Mạng lưới kinh doanh xăng dầu gồm 180 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, 650 cửa hàng kinh doanh Khí dầu mỏ hóa lỏng.

Thương mại điện tử đã trở thành một xu hướng phát triển mạnh mẽ trong những năm trở lại đây. Một số cửa hàng kinh doanh trên địa bàn đặc biệt là tại thành phố, trung tâm các huyện đã triển khai bán hàng trực tuyến, phương thức thanh toán điện tử giúp đẩy nhanh tốc độ thanh toán, thúc đẩy giao thương. Các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực của tỉnh đã được đưa lên sàn thương mại điện tử, góp phần thúc đẩy kinh tế trong tỉnh. Hiện tỉnh đang khuyến khích các tổ chức cá nhân mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua ứng dụng thương mại điện tử; thúc đẩy phát triển giao dịch thương mại điện tử, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch thương mại điện tử. Bên cạnh đó, việc nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả cơ bản ổn định, các chương trình bình ổn thị trường được triển khai tích cực đã góp phần kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh thương mại nội tỉnh./.