Trong những năm qua, nhiều cách làm hay, mô hình mới do nhân dân sáng tạo, được Hội khuyến học tổng kết kịp thời và đề xuất với Đảng, Nhà nước cho phép nhân rộng để làm đòn bẩy phát triển phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Tới nay, các cơ sở Hội đã phát triển rộng khắp đến tận bản, làng, thôn, xóm, cơ quan, đơn vị, trường học và tận tới các dòng họ khuyến học trong cộng đồng dân cư bao gồm 2.047 Chi hội, 1.598 Ban Khuyến học; với hơn 200.000 hội viên (chiếm 23,71% so với dân số). Xây dựng trên 91.000 Gia đình học tập, trên 800 Dòng họ học tập, trên 1.000 Cộng đồng học tập, trên 400 Đơn vị học tập.
Hội khuyến học các cấp đã sát cánh cùng ngành GD&ĐT tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ giáo dục trong nhà trường như: phong trào “Toàn dân đưa trẻ đến trường”, “Đôi bạn học tốt”, phong trào “Ba đỡ đầu”, phong trào “ Tiếng trống khuyến học”, phong trào “Nuôi lợn nhựa khuyến học”... và các hoạt động sửa chữa, xây dựng trường, lớp học; vận động trồng cây, làm đường, hiến đất xây dựng trường học…tạo điều kiện cho học sinh đi học thuận lợi; phong trào khen thưởng, động viên giáo viên dạy giỏi, có hoàn cảnh khó khăn, bám trường, bám lớp; phong trào tặng cặp, sách, vở, quần áo, cấp học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó học giỏi... Từ các phong trào nêu trên, hàng năm trên 5.000 học sinh, sinh viên, những tập thể, cá nhân có nhiều sáng kiến, giải pháp khoa học kỹ thuật, lao động sáng tạo được nhận từ 3 đến 4 tỷ đồng từ sự tiết kiệm, chăm lo của mỗi người, mỗi tổ chức quỹ. Sự phát triển của các Quỹ “Khuyến học khuyến tài” đã chia sẻ bớt khó khăn, động viên các cháu vượt khó, học giỏi, góp phần mang lại sự công bằng trong học tập, tạo điều kiện cho các cháu học sinh nghèo, các cháu có hoàn cảnh đặc biệt có cơ hội đi học, động viên, khuyến khích kịp thời những sáng kiến khoa học kỹ thuật từ đó thúc đẩy phát huy truyền thống hiếu học của con em các dân tộc trong tỉnh.
Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã lan toả mạnh mẽ và có sức thu hút mọi người dân, mọi lứa tuổi được tham gia học tập tại 210 TTHTCĐ của xã, phường, thị trấn; mỗi năm có hơn 200 ngàn lượt người tham gia học tập với nhiều nội dung khác nhau để nâng cao kiến thức và kỹ năng sống theo phương châm“Cần gì học nấy”, “Toàn dân học tập, học tập thường xuyên, học tập suốt đời”.
Bên cạnh đó, những năm qua, sự nghiệp khuyến học còn được sự chung tay tiếp sức của toàn xã hội, đặc biệt sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Kết quả, hơn 20 năm qua các cấp Hội đã huy động trên 150 tỷ đồng để giúp cho hàng trăm ngàn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trên con đường học vấn và nhiều em nay đã thành đạt và trở về phục vụ cho quê hương Hoà Bình.
Nhằm tiếp tục phát huy vai trò của Hội khuyến học trong sự nghiệp khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thời gian tới Hội Khuyến học tỉnh đề nghị các cấp Hội trong tỉnh tập trung thực hiện một số hoạt động trọng tâm. Tiếp tục củng cố, kiện toàn xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, phát huy vai trò nòng cốt của Hội, tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, tâm huyết của cán bộ hội viên, liên kết phối hợp với các lực lượng, các tổ chức xã hội, đẩy mạnh các phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài; tập trung tuyên truyền, vận động toàn dân xây dựng giáo dục và đào tạo, toàn dân học tập, từng bước hình thành và xây dựng XHHT trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xã hội học tập, về mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, nhất là việc học tập của người lớn. Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp… trong việc xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2018-2020. Phát triển đa dạng các loại Quỹ Khuyến học, phấn đấu các chi hội cơ sở, các mô hình học tập đều có Quỹ Khuyến học. Quan tâm khen thưởng người lớn có nhiều cố gắng và đạt thành tích tốt trong lao động và học tập./.