DetailController

Chỉ đạo điều hành

Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn huyện Đà Bắc

13/09/2022 00:00
Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII khẳng định phát triển kinh tế tập thể trở thành chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực hiện chủ trương đó, những năm qua huyện Đà Bắc đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực nông nghiệp.
Với những lợi thế về diện tích mặt nước lòng hồ lớn, khí hậu, nguồn nước phù hợp để các HTX nông nghiệp huyện Đà Bắc nuôi thủy sản có chất lượng cao

Hiện nay, trên địa bàn huyện Đà Bắc có 41 Hợp tác xã, trong đó có 24 HTX đang hoạt động, 03 HTX tạm ngừng hoạt động, 14 HTX đề nghị giải thể. Trong 9 tháng đầu năm 2022, có 03 Hợp tác xã đăng ký mới, tăng 60 người. Các HTX đăng ký mới gồm có: HTX nuôi dê xã Tú Lý, HTX 20-10 xã Cao Sơn, HTX Săng Bờ Xã Vây Nưa.Tổng số thành viên và người lao động các Hợp tác xã: 1.611 người. Tổng tài sản HTX là 51,1 tỷ đồng; tổng vốn điều lệ là 114,9 tỷ đồng. Tổng doanh thu 9 tháng đầu năm của các HTX ước đạt khoảng 7 tỷ đồng, doanh thu bình quân một HTX ước đạt khoảng 100 triệu đồng/1 HTX; tổng lợi nhuận các HTX ước đạt 1,64 tỷ đồng. Tổng nộp ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm ước đạt 120 triệu đồng.

Các HTX nông nghiệp huyện Đà Bắc có những lợi thế về diện tích đất nông nghiệp, mặt nước lòng hồ lớn; thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước phù hợp phát triển sản xuất các sản phẩm nông sản, chăn nuôi gia súc, nuôi thủy sản có chất lượng cao, an toàn thực phẩm; nguồn lao động sẵn có tại địa phương khá dồi dào, chính quyền địa phương có cơ chế quản lý thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, HTX hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Đã có một số HTX thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Tuy nhiên quy mô các liên kết còn nhỏ, chưa chặt chẽ, thị trường tiêu thụ không bền vững, hiệu quả lan rộng chưa cao.

Các mặt hàng chủ lực của HTX huyện Đà Bắc gồm: Cá lồng sông Đà, Gạo J02, cây dược liệu, lợn bản địa, chè San tuyết…Tính riêng HTX trên địa bàn huyện Đà Bắc có khoảng 2 ha mặt nước ao hồ nuôi trồng thủy sản, sản lượng cá đạt khoảng 4 tấn, trong đó nuôi trồng các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như lăng, lăng đuôi đỏ, trắm đen, chiên, ngạnh... Tổng số lồng cá hiện có của các HTX là 45 lồng, sản xuất theo quy trình VietGAP, có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Gạo J02 là giống gạo đặc sản của huyện Đà Bắc được tỉnh đưa vào danh mục các sản phẩm ưu tiên của Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2018 – 2020. Gạo J02 có chất lượng cao, cơm mềm, vị đậm, thơm, ăn ngon được thị trường tin dùng, hiện bán trên thị trường rất thuận lợi và được giá. Hiện đang được trồng tập trung tại các xã: Đồng Chum, Mường Chiềng, Tân Pheo, Giáp Đắt, Đoàn Kết... Diện tích giống lúa J02 của huyện khoảng 300 ha, năng xuất ước đạt 65 tạ/ha, sản lượng ước đạt 1.950 tấn, giá bán 20.000 đồng/kg. Hiện nay, sản phẩm gạo J02 Đà Bắc có bao bì, lô gô nhận diện thể hiện thương hiệu, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Huyện cũng đang xúc tiến quảng bá thương hiệu, mở rộng kênh phân phối, tạo đầu mối bao tiêu sản phẩm. Các địa điểm phân phối là cửa hàng tạp hóa, đại lý gạo, chợ truyền thống, siêu thị mi ni nằm trong các khu đông dân cư, tập trung thị trường trong tỉnh và Thành phố Hà Nội.

Đối với các loại cây dược liệu quý hiếm, hiện đang được trồng trên đất rừng, vườn tạp, đất sản xuất, đất trồng cây hàng năm và khai thác tự nhiên tập trung tại huyện Đà Bắc gồm các cây như hà thủ ô, kim ngân hoa, cát sâm, đương quy, bạch chỉ... với quy mô diện tích trồng hơn 10 ha tại HTX Bigfarm xóm Men, xã Yên Hòa. Lợn bản địa được HTX đa ngành nghề Đồng Chum nuôi khoảng 800 con với quy mô chuồng trại khoảng 2000 m2.

HTX nuôi Dê, huyện Đà Bắc tại xóm Cháu, xã Tú Lý mới thành lập tháng 01/2022 với khoảng hơn 100 con, hiện đang phát triển tốt, có tiềm năng. Bên cạnh đó, năm 2021 rượu mầm thóc của Hợp tác xã Vịnh Xuân đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Từ đầu năm 2022 HTX sản xuất và bán ra được khoảng trên 2.000 lít rượu. HTX Nam Phương xã Trung Thành đang trồng chè san tuyết trên diện tích 20 ha. Sản lượng thu được 1 năm khoảng 5 tấn. Hiện nay chè san tuyết Trung Thành đã được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, có bao bì, tem nhãn đẹp; được khách hàng ưa chuộng bởi mùi vị thơm ngon và đảm bảo an toàn vệ sinh, giá thành hợp lý.

Nhằm tạo môi trường thuận lợi, thu hút các Doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực nông nghiệp. Trong những năm qua, huyện Đà Bắc đã thực hiện tốt cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp tác xã như: Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; chính sách hỗ trợ thành lập mới đến năm 2022 cho các HTX. Theo đó, giai đoạn 2016-2020, các HTX thành lập mới trên địa bàn huyện đã được hỗ trợ 108 triệu đồng. Tổ chức tập huấn, hội thảo nâng cao sự hiểu biết về luật HTX năm 2012 và có định hướng đúng đắn hơn trong kinh doanh. Hỗ trợ HTX tham gia các hội chợ xúc tiến đầu tư, thương mại nhằm quảng bá các sản phẩm thế mạnh của địa phương như Miến dong, Rượu ngô, các sản phẩm về hạt Sachi, Rượu mâm thóc.... đặc biệt sản phẩm rượu men lá Trúc Sơn của HTX Vịnh Xuân, xã Toàn Sơn đã được công nhận là 1 trong 15 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình trao tặng tại hội chợ Công nghiệp và Nông sản vùng Tây Bắc, tỉnh Hòa Bình năm 2020. Năm 2019, UBND huyện hỗ trợ kinh phí cho HTX Quyết Tiến tiếp tục mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm nông sản huyện tại Thành phố Hòa Bình với các sản phẩm như gạo J02, lúa nương, khoai, rau các loại, cá nuôi lòng hồ.... Thông qua việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm để liên kết với các HTX với doanh nghiệp trong và ngoài huyện. Năm 2021, huyện đã hỗ trợ 200 triệu đồng/02 Hợp tác xã tham gia sản phẩm OCOP cấp huyện và cấp tỉnh (sản phẩm Chè khô của Hợp tác xã Nam Phương, xã Trung Thành; sản phẩm Rượu mầm thóc của Hợp tác xã Vịnh Xuân, xã Toàn Sơn).

Tuy nhiên, hiện nay năng lực quản lý các HTX còn hạn chế, mức tăng trưởng kinh tế chưa ổn định, lợi nhuận của các HTX tăng chậm, số đóng góp vào ngân sách Nhà nước của huyện chưa cao. Các HTX chưa liên kết được với doanh nghiệp lớn để tiêu thụ sản phẩm, khó tạo ra chuỗi giá trị lớn và vùng sản xuất quy mô lớn. Mặt khác, các HTX phi nông nghiệp có quy mô nhỏ, công nghệ sản xuất cũ. Mẫu mã, sản phẩm còn đơn điệu, chưa có thương hiệu, khả năng cạnh tranh thấp. Vì vậy, thời gian tới huyện Đà Bắc cần có những giải pháp thực sự hiệu quả để thúc đẩy sự kết nối, hợp tác giữa doanh nghiệp và HTX, hình thành nhiều mô hình liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững./.