DetailController

CNTT và Viễn Thông

Phát triển hạ tầng viễn thông trong phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số và dịch vụ đô thị thông minh tỉnh

01/11/2021 00:00
Trong những năm gần đây, chuyển đổi số mở ra cho mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế, mỗi tổ chức, mỗi cá nhân cơ hội phát triển chưa từng có, gắn với đó là những thách thức và yêu cầu phải tự điều chỉnh. Chính vì vậy, chuyển đổi số đã luôn là đề tài thu hút được nhiều sự quan tâm trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, chuyển đổi số tại các cơ quan nhà nước, trong các ngành, lĩnh vực đã bắt đầu diễn ra nhưng chưa mang tính toàn diện, rộng rãi và chuẩn hóa. Chính phủ và chính quyền các cấp đã và đang xây dựng chính phủ điện tử/chính quyền điện tử. Một số thành phố, đô thị đã bước đầu ban hành đề án, kế hoạch, kiến trúc và triển khai xây dựng thành phố thông minh.

Đối với tỉnh Hòa Bình, hạ tầng viễn thông, Internet trên địa bàn tỉnh đã được các doanh nghiệp viễn thông tích cực đầu tư, nâng cấp hạ tầng mạng lưới với công nghệ tiên tiến, hiện đại không ngừng mở rộng vùng phục vụ đến tất cả các vùng miền, kể cả vùng sâu vùng xa đã góp phần quan trọng trong công tác lãnh đao, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền phục vụ phát triển kinh tế -xã hội, đảm bảo quốc phòng -  an ninh, cũng như nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 07 doanh nghiệp (Viettel, Viễn thông Hòa Bình, Mobifone, VietNamobile, FPT, Truyền hình cáp Hòa Bình, SCTV) đầu tư, xây dựng hạ tầng, cung cấp các dịch vụ viễn thông, internet, trong đó 02 doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp dịch vụ điện thoại cố định hữu tuyến, vô tuyến là Viễn thông Hòa Bình và Viettel Hòa Bình gồm 01 HOST lắp đặt tại thành phố Hòa Bình với 25 tổng đài chuyển mạch cố định; 05 doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định với tổng số trên 510 trạm truy nhập Internet băng thông rộng cố định, trong đó chủ yếu là hạ tầng của Viễn thông Hòa Bình và Viettel Hòa Bình. Hạ tầng truyền dẫn băng thông rộng cáp quang đã được triển khai rộng khắp đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn. Mạng lưới được tổ chức thành các mạch vòng Ring để vu hồi, dự phòng cho toàn mạng lưới, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống.

Hạ tầng mạng thông tin di động có 04 doanh nghiệp (Viettel, Viễn thông Hòa Bình, Mobifone, Vietnammobile) đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp dịch vụ thông tin di động với tổng số BTS 2.650 trạm (bao gồm cả 2G, 3G, 4G) được lắp đặt tạị 1.350 vị trí, trên địa bàn 151 xã, bằng 100% số xã được lắp đặt trạm BTS; phủ sóng đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn và hầu hết các thôn, bản, cụm dân cư, tỷ lệ dân số được phủ sóng thông tin di động đạt 99,6% thôn, bản, cụm dân cư. Trong đó mạng băng thông rộng 3G phủ sóng đến 91% thôn, bản, cụm dân cư; mạng băng thông rộng 4G phủ sóng đến 81%  thôn, bản, cụm dân cư. Số xã có cáp quang đến trung tâm là 151 xã, đạt tỷ lệ 100% với trên 8.231 km cáp quang. Tổng số thuê bao điện thoại duy trì trên toàn mạng trên 800 nghìn thuê bao, tỷ lệ máy điện thoại sấp sỉ đạt 100 máy/100 dân. Số lượng thuê bao Internet ước đạt trên 600 nghìn thuê bao; tỷ lệ người sử dụng dịch vụ điện thoại di động có điện thoại thông minh đạt 71%; tỷ lệ hộ gia đình có thuê bao cáp quang đạt 54%; thuê bao truyền hình IPTV, truyền hình cáp (tương tự + số) đạt trên 48 nghìn thuê bao.

Tuy nhiên, hạ tầng viễn thông của tỉnh vẫn còn những hạn chế như: Đầu tư phát triển mạng ít được thực hiện theo kế hoạch dài hạn, các hạng mục đầu tư chủ yếu đáp ứng nhu cầu trước mắt dẫn đến sự bất cập về phát triển hạ tầng mạng; hạ tầng viễn thông sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin được đánh giá ở mức thấp (hạ tầng kỹ thuật của xã hội), xếp hạng 46/63 so với các tỉnh, thành phố trong cả nước, chưa đạt với mức bình quân so với các tỉnh, thành phố trong khu vực.

Với mục tiêu phát triển nhanh, phát triển bền vững, phát triển dựa trên trụ cột khoa học công nghệ, tỉnh Hòa Bình cần sớm tiếp cận và chủ động nắm bắt, triển khai trong thực tiễn những nội dung, sản phẩm, thành quả quan trọng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, của việc chuyển đổi số đem lại. Muốn vậy cần có chủ trương, quyết sách mạnh mẽ, thể hiện sự quyết tâm, khát vọng của toàn Đảng bộ và cả hệ thống chính trị của tỉnh. Bắt đầu việc chuyển đổi số bằng việc xây dựng, hoàn thiện chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, phát triển dịch vụ đô thị thông minh, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Để thực hiện được mục tiêu đó, thời gian tới, tỉnh sẽ ban hành Đề án của Ủy ban nhân dân tỉnh về Chuyển đổi số tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 để thực hiện Nghị quyết chuyên đề của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số nhằm xác định rõ quan điểm lãnh đạo, chủ trương, định hướng, xây dựng các mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm, tập trung nguồn lực để chuyển đổi số, hoàn thiện chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030./.