DetailController

CNTT và Viễn Thông

Phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025

12/09/2023 16:30
Ngày 12/9/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 177/KH-UBND phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2023 – 2025. Kế hoạch nhằm phát triển hạ tầng số của tỉnh đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số tỉnh Hoà Bình, đồng thời cụ thể hoá và triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đề ra trong Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 24/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu đến năm 2025: Mạng viễn thông băng rộng di động đạt các chỉ tiêu: Số thuê bao băng rộng di động/100 dân: 85 thuê bao; tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh/tổng thuê bao điện thoại di động: 75 %; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh: 85%; tốc độ băng rộng di động (tốc độ tải xuống theo i-Speed): 100 Mb/s; tỷ lệ thôn, bản được phủ sóng di động băng rộng 94%; tỷ lệ dùng chung vị trí BTS: 30%. Mạng viễn thông băng rộng cố định có số thuê bao băng rộng cố định/100 dân: 35 %; tỷ lệ phần trăm hộ gia đình có truy nhập Internet băng rộng cáp quang: 80%; tốc độ băng rộng cố định (tốc độ tải xuống theo i-Speed) 200 Mb/s; tỷ lệ thôn, bản được phủ băng rộng cố định (cáp quang FTTH): 100 %. Hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây có tỷ lệ hệ thống thông tin dùng chung cấp tỉnh có sử dụng dịch vụ điện toán đám mây: 50%; trung bình mỗi người dân có 01 tài khoản sử dụng dịch vụ điện toán đám mây. Hạ tầng công nghệ số, các ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (blockchain), Internet vạn vật (IoT) bước đầu thâm nhập vào nhiều lĩnh vực kinh tế và xã hội của tỉnh; xây dựng và thiết lập ban đầu Hệ thống tiêu chuẩn AI, blockchain, IoT; hình thành được nhóm các chuyên gia hỗ trợ sự phát triển công nghệ AI, blockchain, IoT; hệ sinh thái hạ tầng công nghệ AI, blockchain, IoT được hình thành; AI, blockchain, IoT hỗ trợ hiệu quả cho chương trình chuyển đổi số tỉnh Hoà Bình, phát triển kinh tế số, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hệ thống quản trị số địa phương và năng lực quản trị. Nền tảng số có tính chất hạ tầng có 100% cơ quan, tổ chức nhà nước, 70% doanh nghiệp sử dụng nền tảng số phục vụ chuyển đổi số; hình thành hệ sinh thái nền tảng số đáp ứng cơ bản yêu cầu chuyển đổi số, được sử dụng sâu rộng để phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số quốc gia và trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn, góp phần quan trọng để đạt được các chỉ tiêu chiến lược quốc gia phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Kế hoạch nêu những nhiệm vụ cụ thể, gồm:

Đối với hạ tầng viễn thông băng rộng, phổ cập, bền vững, an toàn: Đầu tư, xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng cố định tốc độ cao (Gb/s, Tb/s), tăng cường phát triển thuê bao băng rộng cố định FTTH tới hộ gia đình; đảm bảo cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng thông rộng tốc độ cao được phổ cập tới các cơ quan, tổ chức, bệnh viện, trường học,... Ưu tiên phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng chất lượng cao trong các khu công nghiệp, các cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện, địa điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh đầu tư, xây dựng trạm thu phát sóng di động (BTS) phủ sóng 4G cho các thôn, xóm và nâng cao chất lượng dịch vụ tại các khu vực sóng yếu. Đầu tư, xây dựng, phát triển hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT) đáp ứng được yêu cầu của các lĩnh vực có liên quan như nông nghiệp, giao thông, năng lượng, điện, nước, đô thị. Chuyển đổi toàn bộ mạng lưới, hệ thống thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6). Mở rộng vùng cung cấp dịch vụ viễn thông trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa các phương thức cáp quang, di động, vệ tinh đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tăng cường phối hợp, chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động để tăng hiệu quả đầu tư, phát triển, xây dựng hạ tầng của doanh nghiệp bảo đảm mỹ quan và an toàn cho người dân.

Đối với phát triển hạ tầng trung tâm dữ liệu điện toán đám mây: Hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng, phát triển các trung tâm dữ liệu trên địa bàn tỉnh. Tuyên truyền, khuyến khích, thúc đẩy các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân ưu tiên dùng các nền tảng điện toán đám mây, sản phẩm dịch vụ trên nền tảng điện toán đám mây do các doanh nghiệp trong nước cung cấp. Nghiên cứu, ban hành các chính sách sử dụng hạ tầng điện toán đám mây, hạ tầng IoT trong việc phát triển các lĩnh vực của kinh tế số như thương mại điện tử; chăm sóc sức khỏe từ xa; nông nghiệp công nghệ cao.

Đối với phát triển hạ tầng công nghệ số: Hạ tầng công nghệ số là các nền tảng cung cấp API để xây dựng và triển khai các ứng dụng. Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số (AI, blockhain, IoT) trong các lĩnh vực dịch vụ công như định danh số, lưu trữ dữ liệu và quản trị số, hỗ trợ tính minh bạch, bình đẳng và chính xác của các dịch vụ công trực tuyến, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; phát triển đô thị thông minh. Thúc đẩy việc tích hợp AI, blockchain, IoT, dữ liệu lớn (Bigdata), tính toán đám mây (Cloud Computing) tạo ra một hạ tầng công nghệ số an toàn, có thể kiểm soát và tương thích.

Đối với phát triển nền tảng số có tính chất hạ tầng Nền tảng số là hệ thống giao dịch điện tử, sử dụng công nghệ số để tạo môi trường mạng cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tương tác, giao dịch, cung cấp dịch vụ, sản phẩm, hàng hóa, có thể sử dụng ngay, đơn giản, thuận tiện, linh hoạt, các bên tham gia không cần tự đầu tư, quản lý, vận hành, duy trì. Triển khai các nền tảng thanh toán trực tuyến theo hướng mở rộng, đa dạng hình thức thanh toán theo hướng mở rộng đa dạng hình thức thanh toán và triển khai nhân rộng cho các dịch vụ sự nghiệp công (học phí, viện phí…) và các giao dịch dân sự (thương mại điện tử…). Triển khai các nền tảng số phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và các nền tảng số phục vụ thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.

Đồng thời thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm khác, như: Chuyển đổi từ cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang cung cấp dịch vụ số, phát triển các nền tảng cung cấp hạ tầng dịch vụ; bảo đảm an toàn, an ninh mạng, quyền lợi người dùng.

Kế hoạch xây dựng 6 giải pháp thực hiện trong thời gian tới, gồm: Cơ chế, chính sách; ưu tiên phát triển hạ tầng số như hạ tầng giao thông, năng lượng; huy động nguồn lực, bảo đảm kinh phí, nguồn nhân lực thực hiện; bảo đảm an toàn hạ tầng số, an toàn, an ninh mạng, quyền lợi người dùng; đo lường, quản lý, giám sát;tuyên truyền, nâng cao năng lực khai thác hạ tầng số.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông là đầu mối phối hợp, hỗ trợ các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng số tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch này. Nghiên cứu chính sách quản lý và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào hạ tầng số; phát triển hạ tầng băng rộng đảm bảo hiện đại, an toàn, dung lượng lớn, tốc độ cao. Phối hợp các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông trong công tác quản lý nhà nước về hạ tầng số triển khai các giải pháp định hướng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong ngành trên địa bàn tỉnh phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ, năng lực cạnh tranh.

Các sở, ban, ngành khác căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức thực hiện Kế hoạch theo đúng quy định của pháp luật.

Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng, bảo đảm quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng địa phương có phương án quản lý, thúc đẩy phát triển hạ tầng số trên địa bàn. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông triển khai các nhiệm vụ phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông trên địa bàn quản lý phù hợp với quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chỉ đạo UBND các cấp xã, phường, thị trấn trong việc hỗ trợ và tạo điều kiện cho việc phát triển hạ tầng số trên địa bàn quản lý. Hỗ trợ phát triển hạ tầng số: cắt giảm thủ tục hành chính, bố trí không gian, địa điểm để lắp đặt thiết bị, nhà trạm, công trình viễn thông, hỗ trợ, thúc đẩy dùng chung hạ tầng viễn thông và hạ tầng kỹ thuật khác. - Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức thực hiện Kế hoạch theo đúng quy định của pháp luật và chức năng nhiệm vụ được giao./.