Thời gian qua, tỉnh đã quan tâm và tập trung nhiều nguồn lực đầu tư phát triển du lịch. Đến nay, toàn tỉnh có 412 cơ sơ lưu trú được thẩm định, 9 điểm du lịch địa phương, 1 Khu du lịch cấp tỉnh đã được công nhận, có 7 Công ty lữ hành nội địa và Chi nhánh văn phòng đại diện hoạt động trên bàn. Nhiều dự án giao thông trọng điểm được đầu tư xây dựng, như: tuyến Hòa Lạc- Thành phố Hòa Bình; dự án cải tạo, nâng cấp đường 433, 435, 438B và các bến cảng phục vụ tàu thuyền trên lòng hồ Hòa Bình đã tạo động lực thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển. Đồng thời, gắn kết các điểm du lịch trong vùng.
Với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh đạt 6 nghìn phòng, thu hút 4,9 triệu lượt khách, tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 5,4 nghìn tỷ đồng. Đến năm 2030, sẽ hoàn thiện kết cấu cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao thương hiệu du lịch tỉnh, thu hút 7,3 triệu lượt khách, đưa tổng thu từ du lịch đạt khoảng 11 nghìn tỷ đồng. Thời gian tới, ngành du lịch tỉnh triển khai đồng bộ các biện pháp để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Củng cố, xây dựng ngành theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại, chủ động hội nhập hiệu quả và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Để làm được điều đó, tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều chính sách ưu đãi đặc thù và cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển. Đôn đốc thực hiện kế hoạch, quy hoạch tổng thể, chi tiết phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình. Ưu tiên các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển du lịch. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ dự án cải tạo nâng cấp tuyến đường giao thông liên tỉnh, đường giao thông kết nối các điểm, khu có tiềm năng về tài nguyên du lịch. Chú trọng đầu tư hệ thống cung cấp điện an toàn, nước sạch, các bến thuyền, bãi đỗ xe, hệ thống viễn thông, mạng internet tới các điểm du lịch. Tiến hành tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh tạo thành những điểm tham quan, du lịch. Thực hiện Bộ quy tắc ứng xử văn minh và tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng và bảo vệ thương hiệu du lịch Hòa Bình. Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân trong việc bảo vệ môi trường, tài nguyên và các loại hình du lịch. Tăng cường xúc tiến thương mại, tập trung vào mục tiêu lấy điểm đến, sản phẩm du lịch và thương hiệu du lịch làm tiêu điểm. Bên cạnh những hình thức truyền thống, ngành du lịch tỉnh mở rộng phối hợp với các đơn vị thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư du lịch quốc gia, tổ chức quốc tế như Farmtrip và Presstrip… để tổ chức giới thiệu, quảng bá hình ảnh, con người Hòa Bình trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Phát huy những thế mạnh của địa phương, tỉnh đã chủ trương phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng du lịch cộng đồng, văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng. Hình thành các tua du lịch kết nối không gian và quy mô các điểm du lịch cho phù hợp, trong mỗi vùng có địa bàn trọng điểm du lịch, như: Tham quan Nhà máy Thủy điện Hòa Bình- Hồ thủy điện- Bản Bích trụ- Bảo tàng không gian văn hóa Mường (thành phố Hòa Bình); du lịch suối khoáng Kim Bôi- Cửu thác Tú Sơn- Mộ cổ Đống Thếch (Kim Bôi); du lịch Thung Nai- Đền bà Chúa Thác Bờ- Chợ Bờ- Đền Thượng Bồng Lai (Cao Phong)…
Nhằm phát triển du lịch tỉnh hướng chuyên nghiệp và hiện đại, ngành du lịch tỉnh và các địa phương đã thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý cấp huyện, cấp xã để nâng cao hiệu quả quản lý về du lịch cấp cơ sở. Hỗ trợ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề du lịch cho cán bộ, nhân viên trong các doanh nghiệp, gia đình hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, có sự chia sẻ, giúp đỡ về cơ sở vật chất cho các đội văn nghệ tại các điểm du lịch cộng đồng để phục vụ khách du lịch./.