DetailController

CNTT và Viễn Thông

Phát triển các dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông

08/01/2024 16:30
Theo báo cáo của UBND tỉnh, hiện nay, mạng lưới bưu chính, chuyển phát hoạt động ổn định, cùng với các dịch vụ truyền thống, doanh nghiệp đã cung cấp thêm các dịch vụ mới với chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ Bưu chính của các cơ quan, doanh nghiệp, người dân và công tác quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh việc tiếp tục đổi mới sản xuất nâng cao hiệu quả trong kinh doanh, nâng cao đời sống cho cán bộ tại các điểm bưu điện văn hóa xã (BĐVHX), công tác quản lý chất lượng nghiệp vụ của các điểm BĐVHX cũng được quan tâm kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo chất lượng khâu phát, thời gian toàn trình... theo đúng quy định. Các điểm BĐVHX tiếp tục phát huy được vai trò, phục vụ công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, phát luật của Nhà nước đến với nông dân thông qua sách, báo và phương tiện truyền thông. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 05 doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát hoạt động, với trên 240 điểm phục vụ (bán kính bình quân 2,5 km/1 điểm phục vụ (mức bình quân cả nước 2,9 km/1 điểm phục vụ)); số dân được phục vụ là 3.588 người/1 điểm phục vụ (mức bình quân của cả nước, 7.105 người/điểm phục vụ). Tỷ lệ điểm phục vụ bưu chính triển khai tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đạt 32,2% (82/240 điểm phục vụ). Tỷ lệ xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ đạt 99%. Xây dựng mới nhiều tuyến cáp quang, nâng số cáp quang toàn tỉnh trên 9.000 km cáp. 100% các các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã có hệ thống mạng nội bộ (LAN) và kết nối Internet băng thông rộng; tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan nhà nước được trang bị máy tính phục vụ công việc tại cấp tỉnh đạt 98%, cấp huyện đạt 91%, cấp xã đạt 88%. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã được triển khai tại 183 điểm; trong đó, có 32 điểm tại các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và 151 UBND xã, phường, thị trấn.

Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến tỉnh Hòa Bình được đầu tư triển khai từ năm 2010 với 11 điểm cầu kết nối từ Ủy ban nhân dân tỉnh tới 10 huyện, thành phố phục vụ các cuộc họp của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh với các địa phương. Ngoài ra, hiện đã có 10/10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã chủ động đầu tư, triển khai Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến từ cấp huyện tới cấp xã đã góp phần mang lại hiệu quả trong việc tổ chức các cuộc họp, tiết kiệm thời gian đi lại, kinh phí văn phòng phẩm. 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã xử lý công việc trên phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp, kết nối liên thông với Trục liên thông văn bản quốc gia, hệ thống văn bản điện tử của khối các cơ quan Đảng để phục vụ gửi nhận văn bản điện tử 4 cấp giữa các cơ quan Đảng, chính quyền, tạo ra một bước tiến lớn trong công tác quản lý, điều hành và xử lý công việc, góp phần nâng cao hiệu quả công việc, tiết kiệm thời gian, tăng cường trao đổi văn bản điện tử, giảm chi phí giấy tờ, tài liệu... Tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan, đơn vị hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt trên 97%.

Để đảm bảo giá trị pháp lý trong giao dịch điện tử của các cơ quan nhà nước, tinh đã chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ cấp 1.060 chữ ký số cho tổ chức và 5.021 chữ ký số cá nhân thuộc các các cơ quan nhà nước (bao gồm cả đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập). Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp xã đã sử dụng chữ ký số để trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng. Chữ ký số đã được tích hợp vào các hệ thống phần mềm văn phòng điện tử, một cửa điện tử để thuận tiện trong quá trình trao đổi văn bản, hồ sơ điện tử giữa các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Cấp hơn 13.000 địa chỉ thư điện tử (địa chỉ mail.hoabinh.gov.vn), trong đó 100% cán bộ, công chức, viên chức từ cấp tỉnh đến cấp xã được cấp địa chỉ thư điện tử phục vụ cho việc trao đổi thông tin, văn bản. Tỷ lệ trung bình cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc tại các cơ quan đạt trên 50%. Công an tỉnh và các huyện Cao Phong, Tân Lạc, Kim Bôi và thành phố Hòa Bình đã triển khai xây dựng hệ thống điều hành giao thông thông minh, bảo đảm trật tự an toàn giao thông và hệ thống giám sát bảo vệ các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh. Hệ thống đã ứng dụng công nghệ AI trong việc tự động phát hiện các phương tiện vi phạm an toàn giao thông; phát hiện, cảnh báo các hiện tượng, đối tượng khả nghi; theo dõi, giám sát lộ trình di chuyển của đối tượng cần giám sát./.