Với mục tiêu phát triển hạ tầng viễn thông để không chỉ là hạ tầng thông tin liên lạc mà là hạ tầng của kinh tế số, xã hội số, hạ tầng của cách mạng công nghiệp 4.0, hạ tầng kết nối vạn vật. Trong những năm qua các doanh nghiệp viễn thông đã tập trung đổi mới hệ thống quản lý và điều hành sản xuất kinh doanh, cơ chế chính sách; tăng cường dùng chung cơ sở hạ tầng giữa các đơn vị trong ngành nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả; tuân thủ nghiêm các quy định trong quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động. Nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng mạng lưới đáp ứng yêu cầu phục vụ các cơ quan Đảng, chính quyền cũng như phục vụ nhu cầu sử dụng viễn thông - công nghệ thông tin của người dân, doanh nghiệp làm hạt nhân tạo sức lan tỏa mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; thực hiện ngầm hóa 100% cáp viễn thông theo hạ tầng khu đô thị và khu công nghiệp; đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, không để tình trạng nghẽn mạng xảy ra.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 07 doanh nghiệp (Viettel, Viễn thông Hòa Bình, Mobifone, VietNamobile, FPT, Truyền hình cáp Hòa Bình, SCTV) đầu tư, xây dựng hạ tầng, cung cấp các dịch vụ viễn thông, internet, trong đó 02 doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp dịch vụ điện thoại cố định hữu tuyến, vô tuyến là Viễn thông Hòa Bình và Viettel Hòa Bình gồm 01 HOST lắp đặt tại thành phố Hòa Bình với 25 tổng đài chuyển mạch cố định. Hạ tầng mạng thông tin di động có 04 doanh nghiệp (Viettel, Viễn thông Hòa Bình, Mobifone, Vietnammobile) với tổng số 1.048 vị trí cột thu phát sóng, bán kính phục vụ 1,2 km/cột. Các nhà mạng di động đã phủ sóng di động 2G/3G/4G đến 100% các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, trạm 2G chiếm tỷ lệ 34,4%, trạm 3G chiếm tỷ lệ 33,1% và trạm 4G chiếm tỷ lệ 32,5%. Trên 95% số trạm BTS được lắp đặt thiết bị công nghệ 3G, 4G. Tỷ lệ người dân được phủ sóng 3G, 4G đạt 95%. Tỷ lệ phủ sóng di động theo khu dân cư đạt 95,8% (151/151 xã, phường, thị trấn có đặt trạm BTS để phủ sóng thông tin di động). Tổng số thuê bao điện thoại duy trì trên toàn mạng trên 900 nghìn thuê bao; Thuê bao băng rộng cố định trên 120 nghìn thuê bao; tỷ lệ người sử dụng dịch vụ điện thoại di động có điện thoại thông minh đạt 75%; Xây dựng mới nhiều tuyến cáp quang, nâng số cáp quang toàn tỉnh trên 9.000 km cáp với tỷ lệ xã có hạ tầng mạng băng rộng cáp quang đạt 100%.
Hạ tầng mạng đến nay, 100% các đơn vị cơ quan Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, huyện, xã đã kết nối mạng LAN và Internet với đường truyền mạng truyền số liệu chuyên dùng hoặc đường truyền cáp quang để triển khai các ứng dụng trong công việc. Mạng Truyền số liệu chuyên dùng cấp II đã được triển khai từ cấp tỉnh đến cấp xã phục vụ cho việc thiết lập kênh truyền riêng phục vụ vận hành các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh được thông suốt, an toàn, bảo mật. 100% cơ quan Đảng, Nhà nước các cấp đã trang bị máy tính, với số lượng cán bộ, công chức nhà nước các cấp được trang bị máy tính phục vụ công việc ngày càng tăng, góp phần tạo môi trường làm việc điện tử rộng khắp, tăng năng suất, hiệu quả công việc. Tỷ lệ máy tính hiện có khoảng 0,99 máy tính/cán bộ. Hệ thống hội nghị truyền hình được kết nối xuyên suốt từ khối cơ quan Đảng, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và đến 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh để đáp ứng yêu cầu tổ chức các cuộc họp từ 04 cấp chính quyền theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) được duy trì hoạt động ổn định phục vụ kết nối, liên thông, đồng bộ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin. Đến thời điểm hiện tại đã kết nối chính thức được 09 hệ thống, gồm: Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Hoà Bình; Cổng Thông tin điện tử tỉnh; Hệ thống phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức; Hệ thống thư điện tử công vụ; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành củ tỉnh; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của Văn phòng Chính phủ; Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh; Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh được xây dựng đáp ứng các yêu cầu mới của Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông về khai thác dữ liệu dân cư; số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; bảo đảm hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh không bị gián đoạn trong phục vụ giải quyết thủ tục hành chính; hiện được triển khai sử dụng tại 100% các cơ quan nhà nước tại 3 cấp tỉnh, huyện, xã để thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Trung bình hàng năm, đã thực hiện tiếp nhận và giải quyết trên 350.000 hồ sơ thủ tục hành chính trên hệ thống góp phần làm minh bạch, công khai các thủ tục và trạng thái xử lý hồ sơ hành chính, tăng hiệu quả làm việc và chất lượng phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp, tiết kiệm thời gian, chi phí cho xã hội.
Toàn tỉnh hiện có 398 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ phân phối các sản phẩm công nghệ thông tin (các thiết bị công nghệ thông tin, thiết bị điện tử viễn thông) với 384 doanh nghiệp, 9 doanh nghiệp sản xuất công nghệ thông tin và 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin viễn thông. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan Đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh thường xuyên ứng dụng công nghệ công nghệ thông tin phục vụ giải quyết công việc trên 95% (không tính viên chức giáo dục, y tế).
Toàn tỉnh đã thành lập 1.482 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xóm, 151 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã với gần 13.000 thành viên, là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số các cấp, đóng vai trò then chốt đưa công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân, đưa người dân lên nền tảng số, người dân tiên phong sử dụng để thúc đẩy, dẫn dắt chính quyền.
Bên cạnh đó, công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin luôn được quan tâm, coi trọng và đạt nhiều kết quả tích cực. Tỉnh đã triển khai bảo đảm an toàn, an ninh mạng mô hình 4 lớp theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Triển khai thuê dịch vụ hoạt động giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng tập trung (SOC) của Hòa Bình giai đoạn 2020 - 2025. Định kỳ hàng tháng, Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện rà quét, kiểm tra, đánh giá tình hình an toàn, an ninh mạng cho các hệ thống thông tin dùng chung, chuyên ngành được cài đặt tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh để kịp thời phát hiện, cảnh báo, xử lý lỗ hổng bảo mật có nguy cơ được tin tặc lợi dụng tấn công, phát tán mã độc. Triển khai giải pháp phòng, chống mã độc tập trung để giám sát an toàn thông tin cho hạ tầng kỹ thuật và các hệ thống tin dùng chung đặt tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh (35 máy chủ) và 90% máy trạm cài phần mềm phòng, chống mã độc./.