DetailController

Thời sự trong nước

Phát huy vai trò hoạt động hòa giải, giảm khiếu nại - tố cáo ở cơ sở

19/06/2017 00:00
Gia đình ông N.V.S và bà N.T.T, xóm Hồng Dương, xã Quy Hậu (Tân Lạc) là hàng xóm liền kề. Trong một lần quét dọn, bà T. gom rác đốt ở gần tường bao làm cháy một cành cây nhãn nhà ông S. xoè tán sang đất của bà T. ông S. thấy cành cây nhãn héo cho rằng bị thiệt hại về tài sản, tính ra thiệt hại yêu cầu bà T. phải bồi thường 3 triệu đồng. Bà T. không đồng ý, hai gia đình nảy sinh mâu thuẫn. Vụ việc được ban hoà giải xã vào cuộc.
Các hoà giải viên xóm 11, xã Sủ Ngòi (thành phố Hòa Bình) trao đổi giải pháp thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở.

 

  Sau khi tìm hiểu nắm rõ ngọn nguồn sự việc, gặp gỡ nghe tâm tư, nguyện vọng của ông S., bà T., các thành viên ban hoà giải xã phân tích, viện dẫn quy định điều chỉnh của pháp luật dân sự, đồng thời giải thích để hai bên thấy được tuy việc đốt rác làm cây nhãn bị héo cành nhưng chưa làm chết cây, thiệt hại không lớn nên không vì chuyện bé xé ra to làm mất tình cảm hàng xóm. Hiểu rõ vấn đề, mâu thuẫn giữa ông S., bà T. được hoá giải. Hai gia đình tự thoả thuận với nhau, ông S. không bắt đền bù, bà T. bồi thường tuỳ tâm, trả ông S. một số tiền nhỏ, ông S. vui vẻ chấp nhận.

Đồng chí Bùi Thị Thân, công chức Tư pháp - Hộ tịch xã Quy Hậu cho biết: Trên đây là một trong những vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra trên địa bàn xã được hoà giải thành công trong thời gian qua. Những vụ việc ở cơ sở tuy không lớn nhưng nếu không hoà giải thành, nguy cơ phát sinh thành vụ việc phức tạp dẫn đến KN -TC. Vì vậy, hoạt động hoà giải ở cơ sở luôn được xã chú trọng. Toàn xã hiện có 16 tổ hoà giải tại 16 xóm, thành phần gồm có bí thư chi bộ, trưởng xóm, trưởng các ngành, đoàn thể như thanh niên, phụ nữ, công an viên…, hàng năm được kiện toàn, củng cố đảm bảo duy trì hoạt động. Nắm vững kiến thức pháp luật, khéo léo trong cách thức hòa giải hợp tình, hợp lý, giúp cho đôi bên tìm được tiếng nói chung, thống nhất cách giải quyết là những yếu tố cần thiết để có cuộc hoà giải thành công. Với phương châm đó đã tạo hiệu quả cao trong hoạt động hòa giải ở xã, tỷ lệ vụ việc hòa giải thành đạt trên 90%.

Toàn tỉnh hiện có trên 2.000 tổ hoà giải tại thôn, xóm, khu dân cư với trên 11.700 thành viên. Với tinh thần trách nhiệm, hoạt động nhiệt tình, khách quan, thời gian qua, các tổ hòa giải đã tích cực tham gia giải quyết các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ xảy ra ở cộng đồng, khu dân cư. Năm 2016, các tổ hoà giải đã tham gia hòa giải 436 vụ việc về các lĩnh vực: đất đai, HN-GĐ, môi trường, dân sự…, trong đó, hoà giải thành 390 vụ, đạt trên 90%. Thông qua hoạt động hòa giải đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật của người dân, giải quyết tốt các mâu thuẫn ngay tại khu dân cư, giải quyết dứt điểm các tranh chấp, góp phần xây dựng tình làng, nghĩa xóm, hạn chế tình trạng đơn, thư khiếu kiện do thiếu hiểu biết.

Theo đồng chí Nguyễn Công Minh, Chủ tịch UB MTTQ huyện Cao Phong, công tác hoà giải có tác dụng thiết thực ở cơ sở. Thực tế cho thấy, địa bàn nào làm tốt công tác hòa giải, ở đó AN -TT được bảo đảm, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, phát huy. Với thành viên là những người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền cơ sở, người có uy tín trong cộng đồng, mỗi vụ việc được các tổ hoà giải khéo léo vận dụng, lựa chọn thành viên hòa giải. Trường hợp vụ việc phức tạp hoặc liên quan đến tranh chấp đất đai còn có sự tham gia của cán bộ tư pháp, địa chính để giải quyết khách quan, dứt điểm. Do đó, nhiều năm qua, trên địa bàn huyện không có vụ việc KN -TC phức tạp, tồn đọng, kéo dài, các vụ việc mới phát sinh được chú trọng giải quyết kịp thời.

Với mục tiêu hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật nhỏ trong cộng đồng dân cư, đồng thời tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp đến đối tượng, công tác hòa giải đã góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật trong nhân dân, giữ gìn tình đoàn kết xóm, phố, hạn chế các vụ việc khiếu kiện vượt cấp đến các cơ quan của Nhà nước.

Không ngừng phát huy vai trò của hoạt động hoà giải ở cơ sở, những năm qua, công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm, chú trọng. Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản triển khai, hướng dẫn tăng cường công tác hoà giải ở cơ sở, kiện toàn, củng cố đội ngũ hoà giải viên hàng năm, lồng ghép tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải cho những người làm công tác hoà giải cơ sở… Tuy nhiên, trong công tác hòa giải cũng còn những hạn chế, khó khăn như việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ hoà giải viên chưa được nhiều, kinh phí, chế độ hỗ trợ cho hoạt động hoà giải hạn hẹp, chưa được thực hiện đầy đủ, đồng bộ… là những vấn đề cần tiếp tục được quan tâm nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở, góp phần vào giữ ổn định AN -TT tại địa phương.