Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh hiện có 13 trường PT DTNT, 13 trường PT DTBT. Trong đó có 2 trường PT DTBT tiểu học, 5 trường PT DTBT THCS, 6 trường PT DTBT TH&THCS. Hệ thống các trường dân tộc bán trú được mở rộng về quy mô, nâng cấp về cơ sở vật chất. Các nhà trường phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thành phố thực hiện công tác nội vụ, quan tâm công tác nuôi ăn, ở cho học sinh. Đảm bảo chế độ, chính sách ưu đãi đối với học sinh diện chính sách xã hội, học sinh vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, quan tâm tạo cơ hội cho học sinh khuyết tật.
Các trường dân tộc bán trú được thành lập và phát huy hiệu quả cho thấy đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Bên cạnh việc triển khai thực hiện giảng dạy kiến thức theo quy định, các trường dân tộc bán trú quan tâm rèn luyện cho học sinh các kỹ năng cơ bản như kỹ năng giao tiếp, hợp tác, tự phục vụ, kỹ năng ứng xử; quan tâm bồi dưỡng học sinh theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của môn học, lớp học, cấp học một cách bền vững. Đồng thời tích cực tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt tập thể, ngoại khóa, câu lạc bộ… giúp học sinh hoàn thiện kỹ năng sống. 100% học sinh các trường dân tộc bán trú được học 2 buổi/ngày theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Qua đó, các nhà trường có điều kiện để thực hiện dạy học chính khóa, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém, tăng thời lượng tự học có hướng dẫn; chú trọng bồi dưỡng kiến thức cho học sinh thi chuyển cấp và tổ chức nhiều hoạt động để thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, đổi mới giáo dục.
Điển hình trong việc thành lập trường dân tộc bán trú ở vùng đặc biệt khó khăn là trường PT DTBT TH&THCS Độc Lập (huyện Kỳ Sơn). Trường PT DTBT TH&THCS Độc Lập (Kỳ Sơn) nằm ở xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Kỳ Sơn, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm trên 53%. Trường có 11 lớp, 212 học sinh. Học sinh là người dân tộc thiểu số chiếm đến 97%. Giao thông đi lại không thuận lợi nên những năm trước đây còn có hiện tượng học sinh bỏ học, không chuyên cần. Sau 3 năm sáp nhập từ trường tiểu học và THCS, thành lập trường PT DTBT, mọi mặt của nhà trường đã đi lên rõ nét. Tỷ lệ học sinh ăn bán trú năm học đầu tiên chỉ có 53 em, năm học này tăng lên 153 em, trong đó có 125 em được hưởng chế độ hỗ trợ vùng khó khăn. Cơ sở vật chất nhà trường được đầu tư xây dựng khang trang với khu bán trú riêng, tiện nghi, sạch sẽ. Công tác phục vụ, chăm sóc học sinh sinh hoạt bán trú được quan tâm, giúp học sinh đảm bảo thời gian, chất lượng bữa ăn, đảm bảo sức khỏe. Nền nếp bán trú được chú trọng, nhà ăn, phòng ở, nhà vệ sinh, nhà tắm luôn gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ. Chất lượng 2 mặt giáo dục được nâng lên rõ nét. Học kỳ I năm học 2018 - 2019, cấp tiểu học có 29% học sinh hoàn thành tốt; cấp THCS có trên 30% đạt học lực khá, giỏi.
Từ thực tiễn cho thấy, việc thành lập trường dân tộc bán trú ở vùng đặc biệt khó khăn đã mang lại hiệu quả rõ rệt: Giảm số học sinh bỏ học; giảm số lớp ghép tại các điểm trường tiểu học; tăng số học sinh đến ở bán trú; tăng khả năng giao tiếp ứng xử và sinh hoạt tập thể; củng cố bền vững kết quả phổ cập giáo dục… góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Đây là sự cố gắng rất lớn của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà./.