Trong những năm qua, việc quan tâm tuyên truyền về phòng chống ma túy và bạo lực học đường cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, chú trọng, với mục tiêu tạo môi trường học đường trong sáng, lành mạnh và hướng đến một xã hội tốt đẹp hơn.
Năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh có 637 đơn vị, trường học từ mầm non đến THPT, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp; toàn ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh có trên 20,7 nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên; 217,7 nghìn học sinh, sinh viên. Số lượng cán bộ,giáo viên và học sinh, sinh viên chiếm số lượng dân số lớn trong toàn tỉnh, do vậy việc quản lý, giáo dục, ngăn chặn tệ nạn nghiện hút ma túy trong trường học còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt hơn là học sinh, sinh viên đang ở lứa tuổi hiếu động, dễ bị kích động, lôi kéo vào con đường nghiện hút ma túy. Xác định được những khó khăn đó, trong những năm qua, công tác phòng chống ma túy đã được ngành GD&ĐT rất coi trọng, với nhiều giải pháp, biện pháp chỉ đạo các đơn vị, trường học, học sinh thực hiện tốt công tác phòng chống ma túy trong học đường. Cụ thể: Ngành đã xây dựng chương trình hành động phòng chống ma túy trong các nhà trường giai đoạn 2016 - 2020; ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai giáo dục phòng, chống ma túy trong trường học; tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp cho học sinh, sinh viên về phòng, chống ma túy như: Thi tìm hiểu về ma túy, thi văn nghệ, tiểu phẩm,... và dạy kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, các đơn vị, trường học đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống ma túy, hầu hết các trường học đều có pano tuyên truyền phòng chống ma túy; đồng thời, đã tổ chức tốt việc lồng ghép chương trình phòng, chống ma túy vào giờ học chính khóa; ngoài ra, đã tổ chức các khóa tập huấn cho đội ngũ giảng viên cốt cán về giảng dạy nội dung giáo dục phòng chống ma túy. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 26/5/2014 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo đối với việc nhân rộng mô hình “Nhà trường an toàn không có ma túy” trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, đến nay, toàn tỉnh có 25 trường đăng ký triển khai thực hiện mô hình.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường đã được Sở GD&ĐT triển khai sâu rộng tới các đơn vị, trường học, với việc thực hiện Nghị định số 80/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; Kế hoạch số 86/KH-UBND của UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, BCĐ phòng chống bạo lực học đường các đơn vị, trường học được kiện toàn, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, có kế hoạch hoạt động, biện pháp thực hiện và quy định về phát hiện, phương án dự phòng về xử lý phòng chống bạo lực học đường ở trường học, có kiểm tra, giám sát định kỳ; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về công tác phòng chống bạo lực học đường, phòng chống tai nạn thương tích, xây dựng trường học an toàn đến 100% học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên trên địa bàn tỉnh./.