DetailController

Trồng trọt

Phát hiện và xử lý kịp thời sinh vật gây hại trên các loại cây trồng

16/08/2024 15:42
Tháng 8, nhiệt độ trung bình toàn tỉnh 28,2 độ C đến 29 độ C; có thời điểm cao nhật là 39,8 độ C. Độ ẩm trung bình 77-88%. Tổng lượng mưa trung bình là 126,14mm; thấp hơn cùng kỳ năm 2023 là 213,6mm. Tổng lượng nắng là 1267,4 giờ, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 là 159,6 giờ. Thời tiết nắng nóng, một số kỳ nắng nóng gay gắt xen kỹ mưa dông đã tạo điều kiện thuận lợi cho sinh vật gây hại phát sinh và gia tăng.

Trước tình hình trên, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã phối hợp với các địa phương, bố trí cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn, điều tra phát hiện và dự báo các đối tương sinh vật gây hại trên các loại cây trồng để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh gây ảnh hưởng đến sản xuất. Cụ thể như sau:

Lúa vụ Mùa đang trong giai đoạn sinh trưởng, tuy nhiên, Ốc bươu vàng đang gây hại diện tích trên 323ha; tập trung tại các huyện: Lạc Thủy, Yên Thủy, Lạc Sơn, Tân Lạc, Mai Châu. Mặc dù giảm so với tháng trước là 325ha, nhưng vẫn cao hơn cùng kỳ năm năm 2023 là 105ha. Tình trạng nghẹt rễ tiếp tục xảy ra trên 13ha tại các huyện: Yên Thủy, Mai Châu. Diện tích này cao hơn tháng trước là 3ha và cao hơn cùng kỳ năm 2023 là 11ha. Tập đoàn rầy gây hại diện tích nhiễm 0,1 ha, chủ yếu tại thành phố Hòa Bình. Chuột tiếp tục gây hại diện tích nhiễm 67,5 ha, mật độ tập trung tại các huyện Lạc Sơn, Lương Sơn, Yên Thủy và thành phố Hòa Bình. Diện tích gây hại cao hơn tháng trước 5ha và thấp hơn cùng kỳ năm trước là 68ha. Bệnh bạc lá phát sinh gây hại diện tích nhiễm 110ha, chủ yếu tại các huyện: Lạc Sơn, Lạc Thủy, Yên thủy và thành phố Hòa Bình. Ngoài ra, còn phát sinh các đối tượng khác như: Sâu cuốn lá nhỏ, châu chấu, bệnh đạo ôn lá, đốm sọc vi khuẩn,… gây hại nhẹ rải rác.

Trên cây có múi, bệnh vàng lá thối rễ tiếp tục gây hại diện tích nhiễm 15ha tại huyện Lạc Thủy; diện tích nhiệm bệnh cao hơn tháng trước 10ha, cao hơn cùng kỳ năm trước là 12ha. Bệnh sẹo tiếp tục gây hại diện tích nhiễm 18ha, chủ yếu tại huyện Tân Lạc và Lạc Thủy; cao hơn tháng trước 5ha. Bệnh đốm mỡ phát sinh gây hại diện tích nhiễm 3ha tại huyện Tân Lạc). Các đối tượng khác như: Sâu vẽ bùa, sâu đục cành, rệp muội, rệp sáp,… tiếp tục gây hại nhẹ rải rác tại các vùng trồng cây có múi.

Trên cây mía, bệnh thối nõn tiếp tục gây hại trên mía trồng mới diện tích nhiễm 7ha tại huyện Tân Lạc. Các đối tượng khác như; sâu xám, chuột, bọ hung, bệnh rỉ sắt gây hạị nhẹ rải rác trên các vùng trồng mía giai đoạn vươn lóng.

Sinh vật gây hại trên rau tiếp tục phát sinh, nhưng diện tích rải rác với mật độ thấp. Trong đó, sinh vật gây hại trên rau họ bầu bí chủ yếu là các bệnh phấn trắng, bệnh giả sương mai, bọ trĩ, bệnh thối dây, rệp, sâu khoang, chuột... Rau họ hoa thập tự là các bệnh sâu tơ, bệnh lở cổ rễ, sâu xanh bướm trắng, bọ nhảy, sâu khoang,…

Hiện nay, cây ngô vừa được trồng mới có diện tích đạt khoảng 10.000ha, mầm mọc đạt từ 3-7 lá. Tuy nhiên, theo tổng hợp, tại các huyện Lạc Thủy, Lạc Sơn đang bị nhiệm sâu keo mùa thu, diện tích nhiễm là 13ha. Ngoài ra, là các bệnh sâu xám gây hại, sâu cắn lá, rệp,… gây hại rải rác. Các địa phương đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh.

Bệnh khảm lá sắn tiếp tục gây hại trên cây sắn, diện tích nhiễm là 27ha, tập trung tại huyện: Yên Thủy, Lạc Sơn, Tân Lạc,… Tỷ lệ phổ biến 1 -3 % số cây, cao 7 -10 số cây, cục bộ > 50 % số cây. Mật độ bọ phấn trắng phổ biến 1 -3 con/lá, cao 5 -7 con/lá.

Trên cây trồng khác xuất hiện bọxít muỗi, rầy xanh, bọ cánh tơ, bệnh đốm lá, bệnh phồng lá, bệnh khô cành chètiếp tục gây hại, Rệp sáp, rệp muội, nhện lông nhung, bọ xít nâu, bệnh thán thư...

Tháng 9, sinh vật gây hại tiếp tục phát sinh. Trong đó, tập đoàn rầy, sâu cuốn lá nhỏ đang là lứa phát sinh và gây hại mạnh nhất; bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn tiếp tục gây hại ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Các sinh vật ruồi đục quả, bệnh loét, bệnh ghẻ sẹo, bệnh đốm nâu, bệnh xì mủ, nhện nhỏ,... tiếp tục gây hại trên cây có múi giai đoạn phát triển quả, mọng quả.

Do đó, trong thời gian tới, Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tiếp tục phối hợp với các địa phương tiếp tục chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại. Đặt bẫy bả chua ngọt nhử bắt trưởng thành sâu keo mùa thu, sâu đục thân... trên ngô và cây rau màu. Duy trì hệ thống bẫy đèn phục vụ cho công tác dự tính dự báo dịch hại cây trồng. Các vùng bưởi xuất khẩu lưu ý phòng trừ các đối tượng đã nêu theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Các huyện trồng sắn tiếp tục theo dõi quản lý chặt chẽ mật độ bọ phấn trắng để hạn chế sự lây lan bệnh khảm lá sắn sang các vùng trồng sắn lân cận. Khi phát hiện nguồn bệnh cần tiến hành tiêu hủy đối cây bị bệnh khảm lá. Đồng thời, chủ động các biện pháp khôi phục sản xuất trồng trọt sau khi ngập úng. Quản lý chặt chẽ các nguồn nước, hồ chứa, điều tiết nước hợp lý phục vụ cho sản xuấ tnăm 2024./.