DetailController

Quốc phòng - An ninh

Phát động Phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm về trật tự, an toàn giao thông” trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

04/04/2024 15:46
Trong những năm qua, tình hình trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì ổn định, an toàn; tình hình vi phạm TTATGT được kiểm soát, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn, xe chở hàng quá khổ, quá tải, “cơi nới” thành thùng, chở quá số người quy định, đi ngược chiều, dừng, đỗ không đúng nơi quy định, phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng… là những hành vi vi phạm “nóng” được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, là những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT). Để tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới”; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới” nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia phối hợp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, ngày 03/4/2024, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hòa Bình ban hành Kế hoạch số 69/KH-UBND về phát động Phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự, an toàn giao thông” trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự, an toàn giao thông” được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh Hòa Bình. Trong đó, tuyên truyền Nhân dân chấp hành nghiêm pháp luật về TTATGT và hướng dẫn cách thức nhận diện, phản ánh các hành vi vi phạm.

Công tác tuyên truyền, vận động: Các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, UBND các huyện, thành phố phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên tuyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT với nhiều nội dung, hình thức phong phú đa dạng đến đông đảo quần chúng Nhân dân, như: Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở, qua mạng xã hội: Zalo, Facebook, Viber, Tiktok… Cổng thông tin điện tử của Công an tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố. Tuyên truyền trực tiếp tại các buổi tuyên truyền, hội thảo, tọa đàm.., lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt của tổ chức chính trị, đoàn thể, câu lạc bộ tại các khu dân cư, tổ dân phố; công tác nắm, quản lý địa bàn của lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an xã…Tổ chức treo băng rôn, hình ảnh, pa nô, áp phích, tranh cổ động, tờ rơi, tài liệu khuyến cáo, cẩm nang, phóng sự, video clip tuyên truyền về trật tự, an toàn giao thông và có nội dung hướng dẫn người dân nhận biết dấu hiệu của các hành vi vi phạm TTATGT. Tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, gắn với vận động đông đảo quần chúng Nhân dân phát hiện, ghi nhận, cung cấp thông tin, tài liệu phản ánh các hành vi vi phạm TTATGT, tập trung vào các hành vi vi phạm: Xe ô tô khách chở quá số người quy định; đón trả khách không đúng nơi quy định; xe ô tô tải chở quá khổ, quá tải, “cơi nới” thành thùng, chở vật liệu để rơi vãi; điều khiển phương tiện đi vào đường cấm, đi ngược chiều, lạng lách, đánh võng gây mất trật tự xã hội, TTATGT và tiềm ẩn nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông khác.

Nội dung hướng dẫn cách thức ghi nhận, cung cấp thông tin: Tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân trên cơ sở nhận diện, chủ động, tích cực cung cấp các thông tin, tài liệu phản ánh về các hành vi vi phạm TTATGT bằng cách thức sau: Ghi nhận đầy đủ thông tin về: Nội dung hành vi vi phạm; Video clip, hình ảnh của hành vi vi phạm (được ghi nhận bằng camera, máy ảnh, điện thoại thông minh); Thời gian phát hiện (ngày, giờ); Tuyến đường xảy ra vi phạm (tên đường, vị trí nút giao, số kilomet theo mốc lộ giới, số nhà… địa bàn hành chính cấp huyện, xã); Biển kiểm soát, đặc điểm của phương tiện (chủng loại xe, màu sơn); Chủ xe, người điều khiển phương tiện (nếu xác định được) và các thông tin khác có liên quan theo tính chất của từng vụ việc, hành vi vi phạm cụ thể. Sau khi ghi nhận đầy đủ thông tin về hành vi vi phạm, người dân liên hệ, phản ánh trực tiếp với Công an tỉnh qua các kênh tương tác trực tuyến 24/24h hàng ngày để tiếp nhận, xử lý tin như:  Tài khoản Facebook: CAHB ATGT (Facebook.com/atgthb) và Phòng CSGT Công an tỉnh Hòa Bình (Faceboo.com/csgthoabinh); Tài khoản Zalo, WhatsApp, Viber: CAHB ATGT (qua các số điện thoại 036.002.938 và 0912.55.48.58); Tài khoản Titok: CAHB ATGT (@atgthb); Số điện thoại trực ban 069.270.9288; Số điện thoại tiếp nhận, hướng dẫn xử lý vi phạm giao thông 069.270.9293 của Phòng Cảnh sát giao thông; Trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội của Công an các huyện, thành phố công khai để tiếp nhận phản ánh. Cung cấp thông tin về tên tuổi, số Căn cước công dân, địa chỉ, số điện thoại liên hệ của người cung cấp (để đảm bảo tính chính danh; Công an tỉnh có trách nhiệm bảo đảm bí mật đối với danh tính của người cung cấp tin) để phục vụ công tác thông tin, phản hồi (nếu cần thiết). Định kỳ, đột xuất tổ chức biểu dương, khen thưởng đối với các đơn vị, tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện phong trào, chủ động, tích cực cung cấp những thông tin có giá trị để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về TTATGT.

UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ công chức, viên chức, hội viên và Nhân dân tham gia phát hiện, cung cấp thông tin, phản ánh các hành vi vi phạm TTATGT trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng Ban an toàn giao thông tỉnh tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố, các tổ chức chính trị xã hội, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả phong trào này. Bố trí lực lượng, phương tiện kịp thời tiếp nhận, xử lý, phản hồi thông tin kiến nghị, phản ánh của người dân về các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông; thông báo cho lực lượng CSGT để tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu người dân phản ánh hành vi vi phạm đang diễn ra) hoặc tổ chức kiểm tra, xác minh, làm rõ hành vi vi phạm (nếu có) để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật hoặc chuyển giao thông tin cho Sở Giao thông vận tải, đơn vị có liên quan để xử lý theo chức năng, thẩm quyền. Bảo đảm bí mật về thông tin, danh tính của người phản ánh, cung cấp thông tin và thực hiện các biện pháp theo quy định của pháp luật để ngăn chặn, xử lý hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người phản ánh, cung cấp thông tin; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi lợi dụng phong trào để cung cấp thông tin sai sự thật, chống phá, tiêu cực. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường truyền thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT; vận động người dân tích cực tham gia phong trào; hướng dẫn việc nhận biết dấu hiệu của các hành vi vi phạm (bằng giải thích trực tiếp và minh họa trực quan qua tờ rơi, phiếu tuyên truyền), cách thức thu thập, cung cấp để việc kiến nghị, phản ánh đảm bảo khách quan, chính xác, đầy đủ, có giá trị để xử lý vi phạm. Tuyên truyền kết quả xử lý để tạo hiệu ứng răn đe, phòng ngừa chung, đồng thời phản hồi kết quả xử lý (đối với nguồn cung cấp thông tin đảm bảo xác định chính xác được danh tính). Khen thưởng theo thẩm quyền hoặc đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong Phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự, an toàn giao thông”./.