DetailController

Quốc phòng - An ninh

Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh

22/12/2020 00:00
Để làm tốt công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn, tỉnh ta xác định cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác ATTP. Nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng về thực phẩm an toàn. Ngăn chặn hiệu quả, tiến tới giải quyết dứt điểm việc lưu thông, buôn bán, sử dụng hóa chất cấm và lạm dụng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và bảo quản thực phẩm. Về cơ bản, việc kiểm soát ATTP trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm được thiết lập và phát huy hiệu quả, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế.
Công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn trường học được đặc biệt quan tâm

Trong đó, mục tiêu cụ thể: Nâng cao kiến thức và thực hành cho các nhóm đối tượng: 97% người sản xuất, kinh doanh thực phẩm có kiến thức thực hành đúng về ATTP; 100% người quản lý có kiến thức thực hành đúng về quản lý ATTP; 85% người tiêu dùng có kiến thức đúng về ATTP.

Tăng cường năng lực của hệ thống quản lý ATTP: 100% các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn có đủ cán bộ làm công tác ATTP; tuyến xã, phường, thị trấn thực hiện được các test nhanh. Hình thành hệ thống cảnh báo nhanh về ATTP và tổ chức thực hiện phân tích một số nguy cơ cao về ATTP.

Cải thiện rõ rệt tình trạng đảm bảo ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống: 100% các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm quy mô công nghiệp, tập trung được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc tuyến tỉnh quản lý và 90% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc tuyến huyện quản lý được kiểm soát chặt chẽ (cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện, kiểm tra ít nhất 1 lần/năm); 90% cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn theo quy định; 90% mẫu thực phẩm được kiểm tra đạt yêu cầu về ATTP; diện tích gieo trồng rau an toàn đạt trên 7.500 ha; chứng nhận VietGap đạt trên 1.000 ha; 70% nhu cầu thịt đảm bảo ATTP.

Ngăn ngừa hiệu quả tình trạng ngộ độc cấp tính: Giảm 20% số vụ ngộ độc thực phẩm cấp tính từ 30 người mắc trở lên được ghi nhận so với trung bình giai đoạn 2016-2020. Tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính trong các vụ ngộ độc thực phẩm được ghi nhận dưới 8 người/100.000 dân.

Để đạt được các chỉ tiêu đã đề ra, cần kịp thời phổ biến, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Đảng, nhà nước, của tỉnh về công tác ATTP; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể, đưa chỉ tiêu ATTP vào kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đơn vị hằng năm để tổ chức thực hiện. Lồng ghép việc thực hiện các chỉ tiêu về ATTP với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tăng cường phối hợp liên ngành, phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội. Đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp
luật về ATTP. Phản ánh những thành tựu đã đạt được, biểu dương các cá nhân, tập thể, đơn vị điển hình trong thực hiện pháp luật về ATTP. Đồng thời phê phán, lên án những vụ việc, cá nhân vi phạm pháp luật về ATTP.

Đẩy mạnh quản lý ATTP sang kiểm soát theo quá trình sản xuất, dựa trên phân tích nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm; tăng cường hoạt động truy xuất nguồn gốc thực phẩm; chỉ đạo các địa phương phát triển, nhân rộng chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn và kiểm soát chặt chẽ ATTP đối với các sản phẩm nông,lâm, thủy sản trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ; tăng cường năng lực hoạt động của hệ thống giám sát, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm. Bổ sung nguồn nhân lực cho công tác quản lý nhà nước về ATTP. Trong đó quan tâm đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ bảo đảm ATTP từ tỉnh đến cơ sở.

Các cơ quan chức năng quản lý nhà nước về ATTP các cấp tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành trong công tác đảm bảo ATTP; thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Trong đó đặc biệt quan tâm kiểm tra quy định về điều kiện ATTP tại các bếp ăn tập thể, bếp ăn trường học, khu công nghiệp; trang trại chăn nuôi, lò giết mổ gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy sản, các chợ đầu mối. Thường xuyên kiểm tra đối với các nhóm hàng thực phẩm có nguy cơ cao. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng. Thực hiện có hiệu quả quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm an toàn trên địa bàn đã được phê duyệt. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phòng làm việc; bổ sung trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện cho các tuyến, từng bước hiện đại hóa trang thiết bị kiểm nghiệm ATTP nhằm nâng cao chất lượng xét nghiệm đáp ứng yêu cầu…/.