DetailController

Thủy sản

Nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGAP nâng tầm thương hiệu cá sông Đà

03/01/2024 16:30
Vùng lòng hồ sông Đà, nơi có trữ lượng thủy sản nuôi trồng lớn nhất của tỉnh Hòa Bình, tại khu vực nuôi cá lồng rộng khoảng 3 ha, thức ăn cho cá chủ yếu là cá tép tự nhiên ở sông, nguồn nước sạch sẽ.
Nghề nuôi cá lồng Vùng lòng hồ sông Đà góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương trong tiến trình xây dựng nông thôn mới

 Lao động tại đây được phân công mỗi người một việc, người cho ăn, người bắt cá, người sửa lồng… ai nấy đều rạng rỡ, hăng say làm việc. Anh Hà Công Hưởng, một người có kinh nghiệm nuôi cá lồng chia sẻ: “Nghề nuôi cá lồng quanh năm suốt tháng đều bám mặt hồ, làm bạn với cá, niềm vui duy nhất sau một ngày lao động là được ngắm nhìn đàn cá lớn lên. Nhờ dòng chảy tự nhiên của sông Đà, nguồn thức ăn dồi dào, cá lồng ở đây có chất lượng thịt săn chắc, thơm ngon, chủ yếu là cá diêu hồng, cá ngạnh, cá lăng, rô phi, trắm đen… Đặc biệt, cá sinh trưởng tốt và đạt trọng lượng gần như tuyệt đối... “Vợ chồng tôi lên lòng hồ đã 9 năm nay, nuôi cá lồng cho Công ty Cường Thịnh Fish, công việc thường ngày là cho cá ăn vào sáng sớm, vớt cá chết, sau đó kiểm tra lồng bè, sửa chữa, gia cố những lồng có dấu hiệu hư hỏng, đảm bảo sự chắc chắn, an toàn nhất”.

Chị Bùi Thị Lưu (vợ anh Hưởng) cũng cho biết: Từ tháng 5 đến tháng 7 là thời gian cá sinh trưởng tốt nhất, còn từ tháng 7 đến tháng 11 là mùa nước lên, cây gai trong bờ thối rữa, nhiễm xuống nguồn nước, cá dễ sinh bệnh. Để đảm bảo môi trường sống tốt nhất cho cá, chúng tôi phải vệ sinh lồng thường xuyên, khử trùng bằng vôi bột định kì 2 lần/tháng. Đặc biệt, cho cá ăn vitamin C 3 tháng/lần để tăng sức đề kháng. Có khoảng 20 lao động đang làm việc trực tiếp tại bè cá của Công ty Cường Thịnh, với mức lương từ 7 đến 8 triệu đồng/tháng. "Nghề nuôi cá lồng không chỉ là việc mưu sinh thuần túy mà còn là sự đam mê với nghề. Bởi nếu không yêu quý con cá, không cảm thấy hạnh phúc khi ngắm nhìn chúng lớn lên từng ngày thì có lẽ đã không chọn nghề này".

doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh tiên phong nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGAP, Công ty TNHH Cường Thịnh đã xây dựng thành công thương hiệu "Cá sông Đà – Cường Thịnh Fish". Với chất lượng sản phẩm ưu việt, Cường Thịnh Fish đã vào được các siêu thị như Big C, Vinmart, Lottemart… Năm 2019, sản phẩm cá lăng đen sông Đà file và cá rô phi sông Đà file của Cường Thịnh Fish được UBND tỉnh Hòa Bình công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Suốt 7 năm qua, Cường Thịnh Fish đã nỗ lực không ngừng để xây dựng, phát triển thương hiệu cá sông Đà. Năm 2012, công ty bắt đầu nuôi cá lồng trên sông Đà với quy mô 20 lồng. Đến nay, công ty đã phát triển được 250 lồng đạt tiêu chuẩn VietGAP ở vùng lòng hồ sông Đà, trong đó có các loại cá đặc sản giá trị kinh tế cao như: Lăng, dầm xanh, ngạnh, trắm đen… và cả cá giống.

Để đàn cá phát triển tốt, công ty lựa chọn giống cá thuần chủng, được nuôi hoàn toàn trong môi trường nước sạch tại vùng lòng hồ sông Đà. Thức ăn cho cá kết hợp từ nguồn thức ăn tự nhiên là tôm, cá, với thức ăn công nghiệp ngô nghiền. Công ty kiên quyết nói không với thuốc kháng sinh, hóa chất độc hại mà sử dụng tỏi giã nát, các loại thuốc có nguồn gốc thảo dược để phòng dịch bệnh cho cá. Với quy trình chăm sóc như vậy sẽ tạo ra chất lượng cá chắc, thơm ngon và bảo vệ môi trường.

Ông Phạm Văn Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH Cường Thịnh cho biết, với mong muốn tạo sinh kế cho người dân vùng hồ, giúp đỡ người dân khai thác hiệu quả tiềm năng mặt hồ trong nuôi thủy sản, công ty chúng tôi thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi với Hợp tác xã dịch vụ, sản xuất kinh doanh nông, lâm nghiệp Hiền Lương và khoảng 20 hộ dân trên vùng hồ sông Đà.

Bên cạnh đó, công ty quản lý, kiểm tra chặt chẽ từ khâu lựa chọn giống, nuôi, tiêu thụ sản phẩm. Việc liên kết sản xuất kinh doanh giúp giảm bớt các khâu trung gian, khắc phục được tình trạng tư thương ép giá, sản phẩm đầu ra ổn định. Tạo ra sản phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng, truy xuất được nguồn gốc, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đồng thời, nâng cao được chuỗi giá trị gia tăng của sản phẩm theo hướng sản xuất bền vững.

Cũng theo Giám đốc Công ty TNHH Cường Thịnh: Sản phẩm cá lăng đen file, cá rô phi file được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh, đã góp phần nâng tầm giá trị của sản phẩm cá sông Đà - Cường Thịnh Fish, tạo ra cơ hội cho Cường Thịnh Fish tiếp cận với nhiều thị trường lớn trong nước, hướng tới xuất khẩu trong tương lai.

Ngoài ra, công ty đang xây dựng kế hoạch liên kết với các hợp tác xã, hộ dân để phát triển quy mô nuôi cá lồng trên hồ Hòa Bình gấp từ 10 - 20 lần, sản lượng khoảng 100 nghìn tấn/năm. Chiến lược sắp tới của Cường Thịnh Fish là phát triển sản phẩm cá sông Đà trở thành sản phẩm xuất khẩu ngang tầm với cá tra, cá ba sa, góp phần đưa Hòa Bình trở thành vựa cá lớn của miền Bắc.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, hiện Hòa Bình là tỉnh nuôi cá lồng bè trên hồ chứa lớn nhất cả nước với gần 4.800 lồng, sản lượng đạt 5.594 tấn, chiếm 77% giá trị sản xuất thủy sản của tỉnh. Phát triển nuôi cá vùng hồ cũng đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 5.000 lao động, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương trong tiến trình xây dựng nông thôn mới./.