DetailController

Quốc phòng - An ninh

Niềm vui đưa luật về bản

29/01/2011 00:00
Đội ngũ làm công tác trợ giúp pháp lý của tỉnh ta hiện có hơn 200 người, gồm cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) tỉnh và các cộng tác viên. Từ 37 cộng tác viên ban đầu, đến nay, lực lượng cộng tác viên trợ giúp pháp lý đã có 189 người. Cùng với hơn 400 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, gần 3.500 tuyên truyền viên pháp luật cơ sở. Đây là lực lượng đang góp phần tích cực, không ngừng nỗ lực đưa luật về với dân.
Trợ giúp viên TGPL trực tiếp cho các đối tượng có nhu cấu.

 

Hàng trình “xoá mù” pháp luật
 
Bà Đinh Thị Oanh, Giám đốc Trung tâm TGPL tỉnh cho biết: Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được Chi nhánh TGPL tại tất cả các huyện, thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho TGPL tại địa bàn. Theo kế hoạch, hàng tháng, quý, Trung tâm TGPL tỉnh xây dựng kế hoạch, các chi nhánh khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý tại các xã vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn. Trên cơ sở đó phối hợp tổ chức trợ giúp lưu động đến tận thôn, bản. Mỗi đợt đi trợ giúp pháp lý lưu động có thể là một ngày nhưng thường là vài ba ngày, có đợt kéo dài cả tuần, thu hút đông đảo người dân trong vùng đến nghe và được tư vấn. Cùng với tư vấn, giải đáp pháp luật, đồng thời kết hợp tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật cho bà con. Trong năm qua, Trung tâm đã thụ lý giải quyết 3.745 việc, trong đó có 3.698 việc tư vấn, 47 việc đại diện, bào chữa tại toà án. Trung tâm đã phối hợp với các Chi nhánh tổ chức được 97 đợt TGPL lưu động tại 165 điểm trên địa bàn tỉnh. Các việc trợ giúp, tư vấn chủ yếu ở các lĩnh vực: chế độ chính sách, đất đai, hôn nhân và gia đình, dân sự…gồm; tư vấn cho 825 người người nghèo, 306 người người có công, 2.015 người dân tộc thiểu số.
 
Bên cạnh đó, Trung tâm thúc đẩy hoạt động của mô hình CLBB TGPL được thành lập ở các xã. Hiện, toàn tỉnh có 128 CLB, trong đó có 69 CLB thuộc xã vùng 135, 37 xã cận nghèo và 22 CLB được tài trợ. CLB thành lập phù hợp với điều kiện từng địa bàn, có sự tham gia của lãnh đạo chính quyền, các ngành, đoàn thể xã trong vai trò ban chủ nhiệm CLB, đại diện các xóm và hộ gia đình là thành viên. Thông qua các buổi sinh hoạt, CLB trở thành diễn đàn pháp luật để mọi người cùng trao đổi, thông tin kiến thức pháp luật. Các thành viên CLB còn có thể trực tiếp tư vấn cho người dân khi có yêu cầu giải đáp pháp luật, tham gia giải quyết các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra trong cộng đồng dân cư ngay tại cơ sở.
 
Niềm vui đưa luật về bản
 
Chị Nguyễn Thị Hoà, chuyên viên TGPL tỉnh chia sẻ: Mặc dù mới vào công tác tại Trung tâm chưa lâu nhưng chị đã tham gia nhiều đợt TGPL lưu động. Có những đợt đi về trong ngày, nhưng chủ yếu là ngủ lại hai, ba ngày tại cơ sở. Có những địa bàn vùng sâu, giao thông khó khăn xe ô tô không vào được điểm trợ giúp cả đoàn phải cuốc bộ đến vài km. Tuy vất vả nhưng bù lại là niềm vui khi mình giúp được bà con hiểu biết được quy định của pháp luật về vấn đề, vụ việc bà con có thắc mắc, tranh chấp.
 
“Làm công tác TGPL miễn phí, địa bàn chủ yếu ở vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn nên nếu không bằng tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nghề thì rất khó để trụ lại với nghề và hoàn thành tốt nhiệm vụ” - Bà Đinh Thị Oanh cho biết thêm. Có dịp tham dự một buổi TGPL lưu động tại xã Cuối Hạ (Kim Bôi), chúng tôi cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa công việc mà đội ngũ cán bộ TGPL của tỉnh đang từng ngày thực hiện. Nghe thông báo có đoàn TGPL về xã, ngay từ sáng sớm, bà con nhân dân xóm Thông, Thượng đã tập trung khá đông tại sân UBND xã. Vào buổi tư vấn, bà con liên tục đề nghị được giải đáp những vấn đề thắc mắc, không biết quy định cụ thể của pháp luật. Chị Quách Thị Thâm, xóm Mư trình bày đã mua một mảnh đất gần 10 năm nay nhưng chưa làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nay có tranh chấp về lối đi chung thì phải làm sao? Gia đình chị Quách Thị Nguyệt đã tách hộ được 7 năm hay ốm đau bệnh tật, kinh tế không có gì nhưng vì sao không được xét hộ nghèo, mong cơ quan TGPL xem xét. Chị Quách Thị Nhi ở xóm Khoang mua một mảnh đất chuyển nhượng nhưng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiện tại ngân hàng đang giữ, làm thế nào để tách được sổ?… Có những việc để lại nhiều ấn tượng đối với các trợ giúp viên như trường hợp chị Bùi Thị Tiết ở xóm Thông cứ cầm mãi trên tay tờ phiếu trợ giúp, khi trợ giúp viên đến tận nơi hỏi chị mới ngần ngừ rằng không biết chữ, muốn hỏi nhưng không biết làm sao viết được muốn nhờ viết hộ. Nhiều người khác không biết phải trình bày ý kiến của mình như thế nào cũng nhờ viết giúp. Trợ giúp viên bỗng trở thành “thư ký” cho chính người được tư vấn, hay như bà Bùi Thị Nhông, cũng ở xóm Thông đến trợ giúp nhưng không có yêu cầu giải đáp mà chỉ đề nghị viết giúp lời cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nên gia đình bà đã được hưởng chính sách xây dựng nhà ở cho hộ nghèo. Những ý kiến hỏi được các trợ giúp viên tổng hợp và trả lời trực tiếp cho bà con.
 
Thực tế nhu cầu được TGPL của người dân vùng sâu, đặc biệt khó khăn rất cao do trình độ nhận thức cũng như điều kiện tìm hiểu kiến thức pháp luật còn hạn chế. Những việc bà con có yêu cầu tư vấn đều là những vấn đề liên quan thiết thực đến cuộc sống của người dân, vì không nắm rõ quy định của pháp luật nên thường xảy ra va chạm. Nhiều vụ việc khi được giải thích, tư vấn, bà con mới biết là mình đã vi phạm pháp luật. Vì vậy, mặc dù những đợt đi TGPL có thể khó khăn như phải đi bộ đến từng xóm, không có điện, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn… nhưng tinh thần của những người làm công tác TGPL luôn nhiệt tình, hăng hái. Giải thích cho người dân hiểu, được người dân lắng nghe, quan tâm tìm hiểu các quy định của pháp luật đã tạo niềm vui, phấn khởi cho những người làm công tác phổ biến pháp luật nhiệt tình hơn, gắn bó hơn với công việc để hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần  từng bước đưa pháp luật vào cuộc sống.