DetailController

Đoàn đại biểu quốc hội

Những ý kiến đóng góp vào Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa GDPT và Luật ban hành quy phạm pháp luật của ĐB Nguyễn Thanh Hải, đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình

12/11/2014 00:00

Ngày 11/11, Quốc hội thảo luận tại tổ vào Dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Đoàn ĐBQH tỉnh tại phiên thảo luận tổ

 Góp ý vào Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông:

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình tán thành với sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết về nội dung này, bởi lẽ đây là nội dung có tầm ảnh hưởng rất lớn tới đông đảo tầng lớp nhân dân. Về nội dung Đề án tôi cơ bản đồng tình, tuy nhiên, đề án mới chỉ tập trung vào việc đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông, song để thực hiện được nội dung này cần phải có đội ngũ giáo viên có trình độ phù hợp để có thể tiếp cận và giảng dạy chương trình mới. Do đó, tôi đề nghị, trước hết phải đổi mới chương trình giảng dạy tại các trường sư phạm, cần phải có chính sách đào đạo đội ngũ giáo viên giảng dạy có chất lượng. Về điều kiện cơ sở vật chất hiện nay còn nhiều khó khăn, bất cập và chưa đồng bộ, không đáp ứng được nhu cầu học tập và giảng dạy. Vì vậy, cần thực hiện đồng thời các nội dung đó là: Đổi mới chương trình sách giáo khoa, đổi mới chương trình đào tạo đội ngũ giáo viên và đầu tư cơ sở vật chất phù hợp.

Tôi đồng tình với nội dung xã hội hóa sách giáo khoa, bởi thực tế trên thế giới đã thực hiện tốt nội dung này. Về biên soạn bộ sách giáo khoa chuẩn, tôi không nhất trí giao Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn sách giáo khoa chuẩn. Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, ban hành chương trình đào tạo hàng năm, nếu Bộ giáo dục ban hành chương trình chuẩn, ra đề thi lại biên soạn một bộ sách giáo khoa chuẩn thì sẽ không tạo ra được sự lựa chọn tối ưu cho người sử dụng, như vậy vô hình chung lại quay trở lại mô hình như trước đây.

Tôi rất băn khoăn về Đề án, đề nghị để xây dựng và hoàn thiện được đề án về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông cần phải tổng kết, đánh giá về chất lượng bộ sách giáo khoa hiện đang sử dụng, cần phải “khám bệnh” một cách tổng thể để đưa ra liều thuốc phù hợp.

Về nội dung cần thay đổi: Đề nghị nên tập trung vào các môn học xã hội, hiện nay khả năng của học sinh Việt Nam còn nhiều hạn chế về hiểu biết về xã hội; khả năng giao tiếp và ứng xử trong cuộc sống, do đó rất cần có chương trình mới về các môn xã hội.

Về chất lượng các môn học: Về triển khai phương pháp giảng dạy và tập huấn kiến thức về ngoại ngữ là rất cần thiết. Thực tế hiện nay đang có sự bất bình đẳng về việc dạy và học môn ngoại ngữ giữa thành phố và nông thôn và giữa các vùng miền trong cả nước. Do đó, cần có chương trình phù hợp cho các đối tượng học môn ngoại ngữ. Về giảng dạy những môn khoa học tự nhiên, trên thế giới không có bộ sách giáo khoa chuẩn về các môn này mà người học có thể lựa chọn từ nhiều nguồn sách.

Về mối quan hệ giữa chương trình và sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình, trên cơ sở đó sách giáo khoa cũng cần phải được xem xét cho phù hợp, cần có sự phản biện giữa người biên soạn sách giáo khoa và người xây dựng chương trình để hoàn thiện nội dung này.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh nhất trí với sự cần thiết ban hành nghị quyết về nội dung này để tiếp tục xây dựng nền giáo dục phù hợp trong điều kiện hội nhập và phát triển. Đồng tình phương án chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện, về sách giáo khoa không nên giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện dẫn đến vừa đá bóng vừa thổi còi, nên thực hiện phương án một chương trình nhiều sách giáo khoa, ở Hòa Bình đã thực hiện nội dung này và đạt được kết quả cao trong thời gian qua. Nếu chỉ đổi mới nguyên sách giáo khoa thì rất khó, mà cần có sự đổi mới tổng thể, tuy nhiên tại diễn đàn này ta nên bàn đến việc đổi mới chương trình sách giáo khoa theo Tờ trình của Chính phủ.

Đối với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật:  

Đề nghị Luật làm rõ thế nào là văn bản quy phạm pháp luật, văn bản áp dụng pháp luật và văn bản hành chính, để thực hiện đúng bản chất của văn bản.

Về hệ thống văn bản pháp luật, tôi đồng tình với phương án huyện, xã có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật vì đây là một cấp hành chính, do đó cần phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quản lý các mặt của đời sống xã hội, tuy nhiên cần phải có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên trên cơ sở đó sẽ quản lý được các văn bản này.

Về quy trình làm luật của quốc hội, tôi đồng tình với các nội dung trong Dự thảo đó là cách thức làm luật, tuy nhiên theo báo cáo giải trình thì trách nhiệm của cơ quan giải trình và cơ trình dự án Luật cần phải làm rõ trong Luật. Cần làm rõ trách nhiệm và vai trò của cơ quan trình và cơ quan thẩm tra các Dự án luật. Đề nghị bổ sung Đoàn ĐBQH là chủ thể để được trình dự án Luật. Trên cơ sở đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội thành lập Ban soạn thảo theo quy định.