DetailController

Giáo dục

Những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục và Đào tạo trong năm học 2024-2025

19/08/2024 15:05
Trong năm học 2023-2024, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai kịp thời, hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đồng thời, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, nhằm tăng cường các nguồn lực giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, chất lượng giáo dục tiếp tục được duy trì. 100% cơ sở giáo dục mầm non bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn về thể chất và tinh thần, không có ngộ độc, tai nạn thương tích xảy ra. Chương trình Giáo dục phổ thông hiệu quả, đảm bảo tiến độ, đúng theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Học sinh của tỉnh đã tham gia và giành được nhiều giải tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Cụ thể, đã 1 giải Nhất, 4 giải Nhì, 12 giải Ba và 25 giải Khuyến khích. Ngoài ra, các em học sinh đã tự tin tham gia các Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp các cấp và đều đạt những thành tích cao. Toàn tỉnh đạt chuẩn phổ cập Giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đạt chuẩn phổ cập Giáo dục tiểu học mức độ 3; phổ cập Giáo dục trung học cơ sở mức độ 2.

Năm học 2024-2025 có ý nghĩa rất quan trọng đối với Ngành giáo dục, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025, cũng là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Phát huy những kết quả đạt được, Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh tiếp tục toàn ngành thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW về Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 29/6/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường nguồn lực phát triển giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới trên địa bàn tỉnh Hoà Bình, giai đoạn 2023-2030. Đồng thời, gắn việc thực hiện các văn bản chỉ đạo với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị. Tiếp tục đổi mới quản lý Nhà nước trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục; gắn trách nhiệm của giáo viên với chất lượng giáo dục của lớp học, môn học.

Thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, chuyên nghiệp. Tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ đáp ứng yêu cầu của Chương trình Giáo dục mầm non; nâng cao chất lượng thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025” và Đề án “Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025”. Đẩy mạnh giáo dục kĩ năng sống xanh, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trong các cơ sở giáo dục mầm non. Tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao kết quả Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Khai thác có hiệu quả dữ liệu thi tốt nghiệp Trung học phổ thông để phục vụ công tác quản lý chuyên môn và trong công tác tham mưu ban hành chính sách đối với ngành tại địa phương. Chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông. Tăng cường phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong quá trình thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường. Chú trọng tổ chức các hoạt động nhằm tăng cường năng lực tiếng Anh cho giáo viên và học sinh, nâng cao chất lượng dạy học môn tiếng Anh. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới học liệu, thi, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ; mở rộng, phát triển quan hệ hợp tác với các tổ chức giáo dục quốc tế, các cơ sở giáo dục nước ngoài.

Củng cố mạng lưới các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên, triển khai thực hiện chương trình Giáo dục thường xuyên chất lượng, hiệu quả; đa dạng hóa các Chương trình giáo dục trong các cơ sở giáo dục thường xuyên, đẩy mạnh học tập thường xuyên, học suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Nâng cao chất lượng các chương trình bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu phát triển và chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động. Đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030.

Quan tâm, chăm lo Giáo dục dân tộc, giáo dục vùng khó khăn. Ưu tiên đầu tư củng cố và phát triển hệ thống các trường Phổ thông Dân tộc nội trú, Phổ thông dân tộc bán trú và các trường phổ thông có học sinh bán trú. Bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục và đáp ứng nhu cầu học tập của người dân tộc thiểu số, người sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các đối tượng chính sách khác; phát triển các phương thức giáo dục hòa nhập, chuyên biệt và bán chuyên nghiệp; chuẩn bị các điều kiện tối thiểu để đáp ứng quyền được học tập của người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tăng cường triển khai các hoạt động giáo dục đặc thù cho học sinh dân tộc, bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách học sinh dân tộc, học sinh vùng đặc biệt khó khăn. Thực hiện có hiệu quả Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023-2030; Đề án dạy và học tiếng dân tộc Mường giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn đến năm 2035 trên địa bàn tỉnh.

Nâng cao chất lượng và chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Tích cực tham mưu tổ chức tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao bảo đảm cả về số lượng và chất lượng; sắp xếp, điều tiết giáo viên mầm non, phổ thông giữa các cơ sở giáo dục bảo đảm hợp lý, khắc phục tình trạng thừa thiếu cục bộ. Chú trọng triển khai bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học và thực hiện Chương trình GDPT 2018. Thực hiện đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Có giải pháp hiệu quả để huy động các nguồn lực hợp pháp để đầu tư cho Giáo dục và Đào tạo. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn và bảo đảm thiết bị dạy học tối thiểu thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Tiếp tục thực hiện lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia với Kế hoạch đầu tư công trung hạn của địa phương giai đoạn 2021-2025 để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để tạo sự đoàn kết, thống nhất trong toàn ngành. Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp thực sự gương mẫu, là tấm gương cho học sinh, sinh viên noi theo. Đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, sinh viên. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng văn hóa học đường, chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục, nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết. Tăng cường phòng, chống bạo lực học đường.

Tăng cường công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, y tế trường học; bảo đảm an toàn trường học, chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh. Bảo đảm an toàn trường học, phòng chống dịch bệnh và tai nạn thương tích. Tăng cường tổ chức bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và an toàn thực phẩm, kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho học sinh.

Chủ động hội nhập quốc tế trong giáo dục. Mở rộng hợp tác với các cơ sở giáo dục có chất lượng cao của nước ngoài về trao đổi học sinh, giáo viên, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, phương pháp giảng dạy và hợp tác nghiên cứu khoa học, khuyến khích hợp tác với các cơ sở giáo dục từ các quốc gia phát triển. Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ hợp tác quốc tế đầu tư cho giáo dục. Tích cực tham gia các chương trình đánh giá chất lượng giáo dục quốc tế đối với giáo dục phổ thông./.